Văn hóa

Khai mạc Lễ hội đua thuyền đuôi én năm 2023 tại Mường Lay (Điện Biên)

Điện Biên

Chương trình đã tái hiện lại quá trình định cư, lập bản, xây dựng và phát triển bản mường của các cộng đồng dân tộc Thái trắng, Mông, Xạ Phang, Tày, Khơ-mú…

Nghi thức tế lễ thần sông trên lòng hồ thủy điện Sơn La (địa phận thuộc thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên). Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN

(TTXVN) Tối 31/12, tại Bến thuyền Cơ khí, phường Na Lay, UBND thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) đã khai mạc Lễ hội đua thuyền đuôi én lần thứ VIII, năm 2023 với sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh Điện Biên và đông đảo người dân, du khách.

Chương trình nghệ thuật khai mạc với chủ đề “Mường Lay- Điểm hẹn Xòe hoa” được dàn dựng bài bản, công phu, hoành tráng, quy mô, đậm chất văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên đã tạo ấn tượng tốt đẹp cho người dân và du khách. 

Chương trình đã tái hiện lại quá trình định cư, lập bản, xây dựng và phát triển bản mường của các cộng đồng dân tộc Thái trắng, Mông, Xạ Phang, Tày, Khơ-mú… vùng đất cuối trời Tây Bắc, nơi hợp lưu, giao hòa của ngã ba suối Nậm Lay, Nậm Na và sông Đà kỳ vĩ, trữ tình để tạo nên một “thị xã trên bên dưới thuyền”, “hẹp trong một tầm tiếng gọi”.

Nằm ở phía Bắc của tỉnh Điện Biên, Tây Bắc của Tổ quốc, nơi giáp ranh giữa 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu (cũ), thị xã Mường Lay được coi là thủ phủ, cái nôi văn hóa của người Thái trắng Tây Bắc. 

Nằm ở phía Bắc của tỉnh Điện Biên, Tây Bắc của Tổ quốc, nơi giáp ranh giữa 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu (cũ), thị xã Mường Lay được coi là thủ phủ, cái nôi văn hóa của người Thái trắng Tây Bắc. Hình thành, phát triển gắn với miền sông nước như câu ngạn ngữ “Thái ăn theo nước, Xá ăn theo lửa” đã đề cập về địa thế lạc nghiệp, tập quán sản xuất, sinh hoạt và khái quát cội nguồn văn hóa của người Thái. Bao đời nay, tập quán sinh sống của người Thái trắng gắn bó với nhịp chèo thuyền độc mộc, đuôi én trên dòng sông Đà và các dòng sông, suối khác. 

Lễ hội thuyền đuôi én là nét đặc trưng cho cho truyền thống văn hóa tín ngưỡng cầu mùa, cầu mưa của người Thái trắng trong việc chinh phục, chế ngự thác ghềnh, sóng dữ trên dòng sông Đà.

Với phần trình diễn trang phục trong đêm khai mạc, du khách được mãn nhãn khi ngắm nhìn, chiêm ngưỡng những bộ trang phục độc đáo của cộng đồng các dân tộc, được thêu thùa, may vá, tạo dáng hoa văn rất tinh tế và khéo léo. 

Trang phục cũng góp phần thể hiện quan điểm về nhân sinh, thẩm mỹ, góp phần làm nên bản sắc riêng có, mang tính nhận diện văn hóa, được coi như bản vị, ẩn chứa thần thái, cốt cách, tâm hồn của mỗi cộng đồng dân tộc.

Khép lại chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc, du khách được hòa mình vào không khí từng bừng rộn rã của đêm hội vòng xòe với tiếng trống, chiêng mời gọi; trải nghiệm múa sạp, múa xòe thắm đượm tình cộng đồng và nhân văn. 

Vòng xòe đoàn kết cứ rộng lớn thêm bên bờ sông Đà, lửa trại bừng ánh sáng, hắt ánh lửa bập bùng xuống lòng Đà giang. Điệu hát Then với nhiều cung bậc cảm xúc như gọi mời du khách.

Theo UBND thị xã Mường Lay, Lễ hội đua thuyền đuôi én truyền thống của dân tộc Thái trắng Mường Lay được phục dựng thành công, tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015. 

Lễ hội đã trở thành sự kiện văn hóa, thể thao nổi bật trong năm và là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động xúc tiến du lịch của thị xã Mường Lay nói riêng, tỉnh Ðiện Biên nói chung; khẳng định thương hiệu và giới thiệu những giá trị văn hóa đặc trưng về vùng đất, con người Mường Lay tới bạn bè gần xa. 

Ngoài Lễ hội truyền thống thuyền đuôi én, nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử truyền thống, góp phần tạo nên “vỉa trầm tích” tiềm chứa những giá trị văn hóa vật thể, vật chất, tinh thần độc đáo của người Thái trắng Tây Bắc với các lễ hội đặc trưng, mang tính nhận diện văn hóa của người Thái trắng, như: Lễ Kin Pang Then, nghệ thuật Xòe Thái cổ…

Nghệ nhân Vàng Văn Thức (bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay) là người góp công lớn trong việc phục dựng Lễ hội thuyền đuôi én tại địa phương. Ông chia sẻ: Cuộc sống sinh hoạt của người Thái trắng đã gắn liền với môi trường sông nước, nhịp dâng, cạn của lòng sông Đà từ khi định cư, lập bản tại đây. 

Lễ hội đua thuyền đuôi én hình thành từ chính quá trình lao động trên sông nước của người dân. 

Lễ hội diễn ra vào ngày đầu năm, nhằm khai thông sông rạch với ước muốn cầu cho mưa thuận gió hòa. Qua lễ hội, tình đoàn kết bản làng của người Thái trắng với các cộng đồng dân tộc khác sinh sống trên địa bàn càng bền chặt, người dân lạc quan, yêu đời hơn. 

Các đội đua tranh tài tại lễ hội. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Đây cũng là dịp để người dân nâng cao ý thức trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Sáng sớm 1/1/2023, để mở đầu lễ hội đua thuyền đuôi én, thầy cúng, các nghệ nhân, già làng, trưởng bản đã chuẩn bị một mâm lễ lớn để tiến hành các nghi lễ tế thần sông nước, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình yên và thể hiện lòng biết ơn của người dân đối với thần sông nước, thần đất, thần trời. 

Sau đó, các đội thuyền tranh tài trên “hành trình đua xanh” dài 1km trong sự reo hò, cổ vũ nhiệt tình của hàng ngàn người dân đứng thành dãy dài hàng trăm mét hai bên bờ lòng hồ; tiếng chiêng, trống vang vọng khắp các bản làng.

Lễ hội đua thuyền đuôi én lần thứ VIII năm 2023 quy tụ 10 đội tham gia. Ngoài 6 đội của thị xã Mường Lay còn có các đội đua đến từ các huyện Sìn Hồ và Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu), huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) và huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên). 

Lễ hội diễn ra từ ngày 31/12/2022 đến ngày 2/1/2023. Trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra Lễ thả cá phóng sinh trên sống Đà; trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương; thi đấu thể thao dân tộc; tổ chức trò chơi dân gian; Giải vô địch Câu lạc bộ dù lượn quốc gia năm 2023…/.

 

Xuân Tư- Xuân Tiến

Xem thêm