Khoa học

Khoa học công nghệ cần bám sát phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Cao Bằng

Giai đoạn 2020-2022, Cao Bằng có 37 đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh được triển khai; 3 nhiệm vụ cấp cơ sở và 5 nhiệm vụ hỗ trợ các sở, ngành, địa phương.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Chu Hiệu/ TTXVN)

TTXVN - Ngày 30/3, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ do Thứ trưởng Trần Văn Tùng làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng về kết quả đạt được trong lĩnh vực khoa học và công nghệ giai đoạn 2020-2022 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng Bế Đăng Khoa, trong 3 năm, tỉnh Cao Bằng đã triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ cấp quốc gia thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025; 3 nhiệm vụ cấp thiết của địa phương và hợp tác với các bộ, ngành, với tổng kinh phí gần 78.000 tỷ đồng. Cùng với đó, UBND tỉnh Cao Bằng bố trí từ trên 10 tỷ đồng/năm cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Giai đoạn 2020-2022, tỉnh có 37 đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh được triển khai với tổng kinh phí trên 45 tỷ đồng; 3 nhiệm vụ cấp cơ sở và 5 nhiệm vụ hỗ trợ các sở, ngành, địa phương với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng. Cao Bằng có 135 văn bằng được bảo hộ, trong đó có 1 sáng chế; 15 kiểu dáng công nghiệp; 2 chỉ dẫn địa lý và 119 nhãn hiệu (với 2 nhãn hiệu chứng nhận và 8 nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ dành cho các đặc sản của tỉnh).

Riêng trong năm 2022, tỉnh Cao Bằng có 1.307 sáng kiến được công nhận, trong đó có 1.157 sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả; 44 sáng kiến được đánh giá, công nhận có phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng ở cấp tỉnh ....

Tuy nhiên, hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh Cao Bằng còn một số hạn chế như: Quy hoạch mạng lưới chưa có sự liên thông, kết nối với các ngành. Kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ còn hạn hẹp. Cơ sở vật chất kỹ thuật và trang bị cho các lĩnh vực kiểm định, thử nghiệm, hiệu chuẩn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý nhà nước và phục vụ xã hội; chưa có cơ chế phù hợp để khuyến khích, hấp dẫn và huy động được các nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho khoa học và công nghệ.

Thời gian tới, tỉnh Cao Bằng tập trung thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, đối tượng, nhất là các doanh nghiệp tham gia, triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; tổ chức nhân rộng kết quả của các đề tài, dự án đã được nghiệm thu vào đời sống sản xuất, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp thông minh, du lịch, dịch vụ...

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND, HĐND ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học và công nghệ phù hợp với thực tế địa phương.

Tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục có định hướng đào tạo nguồn nhân lực lượng cao nói chung và nhân lực khoa học công nghệ nói riêng; phát triển lực lượng khởi nghiệp trên hệ sinh thái sáng tạo. Lĩnh vực khoa học công nghệ cần bám sát định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Về nông nghiệp, tỉnh cần xây dựng sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, thương mại hóa sản phẩm trên thị trường. Các sở, ban ngành, địa phương cần phối hợp trong việc áp dụng khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch.

Bên cạnh đó, Cao Bằng cũng cần phối hợp tốt với các cơ quan chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng kế hoạch, hệ sinh thái khởi nghiệp; đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương để chỉ ra được những hạn chế, đưa ra được các giải pháp hỗ trợ để góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh…

Dịp này, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ đã tặng Quỹ Vì người nghèo tỉnh Cao Bằng 500 triệu đồng./.

Chu Hiệu

Xem thêm