Ngành Tài nguyên và Môi trường có vai trò, vị trí rất quan trọng, không chỉ quản lý các nguồn lực, tài nguyên là "đầu vào" của nền kinh tế mà còn liên quan nhiều mặt đến đời sống của từng người dân, từng gia đình.
(TTXVN) Ngày 23/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự Hội nghị còn có các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường.
* Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên
Khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước với tầm nhìn chiến lược, tư duy thời đại đã có những quyết sách quan trọng và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường; chủ động hội nhập với xu thế phát triển của thế giới để chuyển hóa các thách thức, tận dụng các thời cơ đưa đất nước phát triển trên con đường xanh, trở thành một hình mẫu trong phát triển bền vững; giúp các sản phẩm "Made in Việt Nam" vượt qua các rào cản về môi trường, tiêu chuẩn về phát thải tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo việc làm và động lực tăng trưởng mới, mang đến một tương lai sạch hơn, xanh hơn cho đất nước.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, ngành Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách có tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với mục tiêu thúc đẩy phục hồi xanh, tạo dựng nền tảng để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ những rào cản để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho phục hồi kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và chung tay của toàn dân, công tác bảo vệ môi trường đã chuyển bị động sang ứng phó, sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được hoàn thiện, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong tái chế, xử lý chất thải. Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo được nâng cao, cung cấp thông tin về thời tiết, thủy văn môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ an toàn, sức khỏe cộng đồng...
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, thực hiện phương châm "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển" và 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, ngành đã hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch; kịp thời trong phản ứng chính sách, chủ động đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bằng thể chế tạo thêm động lực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của quốc gia.
Ngành chủ động thực hiện sớm các giải pháp để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế như quỹ đất, nguyên liệu, vật liệu, nguồn nước cho sản xuất kinh doanh, công nghiệp khai khoáng tiếp tục có đóng góp cho tăng trưởng; nguồn thu từ tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước đóng góp 15% thu ngân sách nội địa góp phần đáp ứng các cân đối với lớn cho nền kinh tế.
Các vùng biển, các địa phương có biển đã phát huy việc khai thác tiềm năng thế mạnh, trở thành khu vực phát triển năng động, thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo động lực phát triển, mở cửa, hội nhập quốc tế, hình thành và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp gắn với hình thành chuỗi đô thị ven biển và các trung tâm năng lượng tái tạo.
Ngành đã hoàn thành chỉ tiêu 91% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo yêu cầu của Quốc hội; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tại khu vực đô thị đạt khoảng 96,37% (cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao là 89%); có 11 nhà máy xử lý, đốt rác phát điện được khởi công; số vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm môi trường giảm 65,38%, tỷ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm từ 12,53% năm 2016 xuống còn 4,03% năm 2020 và đến nay còn 1,55%...
Kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu đất đai với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ở 54 tỉnh/thành phố; đang triển khai ở 9 tỉnh, thành phố; số hóa dữ liệu địa chính của 219 đơn vị hành chính cấp huyện, đang triển khai tại 250 đơn vị hành chính cấp huyện; số hóa dữ liệu nền địa lý ở các tỷ lệ 1/25.000 và 1/50.000.
Chất lượng dự báo thời tiết, thủy văn chi tiết đến các huyện, thị trên cả nước; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm cho các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Ngành đã chủ động triển khai các chiến lược, kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng, thu hút đầu tư ngoài nước cho phát triển năng lượng sạch; đồng thời tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và các cơ hội thâm nhập thị trường các nước G7, Liên minh châu Âu của hàng hóa Việt Nam trước việc áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM), huy động sự hỗ trợ của các định chế tài chính.
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để giải quyết những vướng mắc về thể chế, cần tháo gỡ trong thời gian tới.
Quán triệt mục tiêu phát triển bền vững
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngành Tài nguyên và Môi trường có vai trò, vị trí rất quan trọng, không chỉ quản lý các nguồn lực, tài nguyên là "đầu vào" của nền kinh tế mà còn liên quan nhiều mặt đến đời sống của từng người dân, từng gia đình.
Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, lĩnh vực tài nguyên và môi trường vừa là đối tượng, vừa là chủ thể mở đường cho nhiều chính sách đổi mới. Đến nay, vấn đề tài nguyên, trong đó đặc biệt là đất đai, còn hiện hữu nhiều bất cập, khó khăn, bởi vì phải giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích công cộng, doanh nghiệp và từng người dân.
Đây là cũng khó khăn của nhiều nước trên thế giới. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ngành đã nỗ lực, trách nhiệm, trí tuệ, từ đó từng bước bám sát chủ trương của Đảng, dần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của tài nguyên, đất đai, môi trường.
Đồng tình với định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ Bộ đã xác định trong năm 2023 “bước sang một nấc thang mới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần khơi dậy khát vọng và tinh thần sáng tạo để đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra: Trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045, người dân có cuộc sống hòa bình, an toàn, văn hóa và một nền sản xuất hiện đại. Cụ thể, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam phải tăng trưởng trung bình 7%/năm, từ năm 2031 trở đi phải tăng trưởng trung bình 6,5-7%/năm.
Điểm lại tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong giai đoạn 30 năm đổi mới, Phó Thủ tướng cho rằng, những mục tiêu đặt ra không hề đơn giản, nhất là trong hai năm 2020-2021, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, cùng các biến động khó lường của kinh tế toàn cầu; chưa kể khi quy mô nền kinh tế càng lớn thì tăng trưởng tốc độ cao càng khó khăn. Bên cạnh đó, yêu cầu phát triển hiện nay không chỉ tăng trưởng nhanh, đơn thuần mà còn phải bền vững từ bảo vệ môi trường đến chú trọng các vấn đề văn hóa, xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Nêu một số chỉ số về phát triển bền vững của Việt Nam được xếp hạng ở vị trí cao so với các nước có cùng trình độ phát triển, Phó Thủ tướng khẳng định, đây là định hướng phát triển rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước, trong đó có sự đột phá của ngành Tài nguyên và Môi trường. Đó là cân đối giữa vùng có động lực phát triển mạnh và vùng khó khăn, hài hòa trong từng bước phát triển thay vì chỉ ưu tiên chỗ thuận lợi, vẫn dành đầu tư cho vùng khó khăn, dù hiệu quả, tốc độ tăng trưởng kinh tế bị chậm lại.Cùng với tiêu chí phát triển nhanh và bền vững, Phó Thủ tướng yêu cầu phải khơi dậy khát vọng, quán triệt mục tiêu phát triển bền vững, đúng xu thế, tăng cường đổi mới sáng tạo; trước hết, khơi thông các nguồn lực trong xã hội, phát triển một nền hành chính hiện đại, tăng cường phân cấp.
Thêm vào đó, hiện ngành Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện rất mạnh chuyển đổi số như xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai với mục tiêu “mỗi thửa đất cũng có một số định danh”; đồng thời cần khuyến khích, cổ vũ cho những cách làm mới, cách làm khác ngay từ cơ sở và của từng chuyên viên.
Phó Thủ tướng chỉ ra những “dư địa” mà ngành có thể làm tốt hơn về quản lý tài nguyên môi trường biển, tài nguyên môi trường đất liền, công nghiệp hạ tầng cơ sở; từ đó tạo ra những nguồn lực tốt hơn cho nền kinh tế đất nước.
Về một số nhiệm vụ trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu tối đa, trao đổi, phân tích xu thế qua các ý kiến đóng góp về luật đất đai, tài nguyên nước; đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu một số vấn đề mới đặt ra như đo đạc, quan trắc các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét; nghiên cứu, khảo sát địa chất, môi trường biển…
Trong hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, Bộ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thực hiện các cam kết quốc tế, khẳng định vị thế đi trước, đúng xu thế thế giới và đưa ra những sáng kiến, mô hình hợp tác mới của Việt Nam.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 8 tập thể. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao Cờ thi đua tặng 22 tập thể có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua năm 2022./.