Dự án sẽ được triển khai tại 20 trường Trung học Cơ sở, 6 trường Trung học Phổ thông và 3 trường Đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.
TTXVN - Sáng 29/9, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chương trình khởi động dự án “Sức khỏe thanh thiếu niên Việt Nam”.
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, ngành Giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế thực hiện tốt công tác y tế trường học nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên. Hoạt động truyền thông, giáo dục phòng ngừa dịch bệnh học đường ngày càng được tăng cường, đi vào chiều sâu, hiệu quả.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 02/10/2021 phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 85/QĐ-TTg ngày 17/1/2022 phê duyệt Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025 với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 giải quyết được cơ bản các vấn đề liên quan đến chính sách, các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh trong trường học.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Đề, lứa tuổi học sinh đang trong giai đoạn phát triển thể chất, tinh thần và hình thành thói quen chăm sóc sức khỏe; trong khi đó, môi trường học đường lại là nơi tập trung đông người nên có nguy cơ rất dễ mắc, lây lan dịch bệnh, bệnh tật học đường. Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh những dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì các bệnh không lây nhiễm như: huyết áp, tim mạnh, ung thư, đái tháo đường và sức khỏe tâm thần cũng đang là vấn đề sức khỏe được toàn thế giới quan tâm (nguyên nhân tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 71% các ca tử vong).
Tổ chức Y tế thế giới đã xác định bốn hành vi, lối sống hình thành từ lứa tuổi học sinh, sinh viên liên quan đến sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm bao gồm: Hút thuốc lá, uống rượu bia, chế độ ăn uống không lành mạnh và ít hoạt động vận động thể lực. Vì vậy, nhằm tăng cường công tác phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm và cụ thể hóa các nội dung của Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam quyết định triển khai Dự án Sức khỏe thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2023-2025 do tập đoàn AstraZeneca viện trợ không hoàn lại.
Mục tiêu của Dự án góp phần cải thiện sức khỏe và hạnh phúc của học sinh, sinh viên từ 10-24 tuổi tại Hà Nội. Thông qua việc thực hiện dự án, học sinh, sinh viên được nâng cao kiến thức và năng lực về dự phòng các bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm.
Dự án sẽ được triển khai tại 20 trường Trung học Cơ sở, 6 trường Trung học Phổ thông và 3 trường Đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội với 4 nhiệm vụ cơ bản là: Nâng cao năng lực phòng, chống bệnh không lây nhiễm cho học sinh, sinh viên; Cung cấp thông tin cho cha mẹ học sinh, giáo viên để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thực hành các hành vi sức khỏe lành mạnh, an toàn; tăng cường chất lượng của hoạt động y tế, giáo dục thể chất trong trường học để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên tiếp cận với các dịch vụ thân thiện; khuyến nghị chính sách có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho phòng, chống bệnh không lây nhiễm và nâng cao sức khỏe của học sinh, sinh viên.
Để Dự án đạt được các mục tiêu, yêu cầu đã đề ra, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất đề nghị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, lãnh đạo các trường Đại học, Trung học phổ thông, Trung học Cơ sở quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất và tích cực phối hợp chặt chẽ với Ban điều hành dự án triển khai các hoạt động theo đúng kế hoạch, tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả./.