Các cơ sở y tế tuân thủ báo cáo ca bệnh sốt xuất huyết Dengue cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật địa phương; đảm bảo vệ sinh, xử lý môi trường bệnh viện không để muỗi sốt xuất huyết Dengue lưu hành…
TTXVN - Đây là ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tại lớp tập huấn công tác điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue khu vực phía Bắc do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tổ chức, ngày 12/10, tại Hà Nội.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa lưu ý các cơ sở y tế tuân thủ báo cáo ca bệnh sốt xuất huyết Dengue cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật địa phương; đảm bảo vệ sinh, xử lý môi trường bệnh viện không để muỗi sốt xuất huyết Dengue lưu hành…
Hơn 130 cán bộ y tế là bác sĩ Khoa Khám bệnh, Truyền nhiễm (Bệnh nhiệt đới), Nội, Nhi, Hồi sức cấp cứu hoặc Hồi sức tích cực của Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thành phố, Bệnh viện thuộc các Bộ, ngành đóng trên địa bàn tỉnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện ngoài công lập đã tham dự lớp tập huấn, trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng cao tại một số địa phương.
Hai giảng viên lớp tập huấn là Tiến sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương đã trình bày hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em và người lớn, những lưu ý trong theo dõi, điều trị nội trú sốt xuất huyết Dengue. Đồng thời, các giảng viên chia sẻ những kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị những ca biến chứng nặng, thậm chí dẫn đến tử vong do sốt xuất huyết Dengue.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Virus Dengue có 4 typ huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.
Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết Dengue của Việt Nam luôn được cập nhật. Mới đây nhất, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2760/QĐ-BYT “Hướng dẫn chẩn đoán điều trị sốt xuất huyết Dengue”, các nhân viên y tế không chỉ chuyên ngành truyền nhiễm, mà các chuyên khoa khác như nội, hồi sức cấp cứu, nhi khoa,... đều phải cập nhật theo đúng hướng dẫn mới này.
Vì vậy, việc tăng cường tập huấn cho cán bộ tham gia điều trị sốt xuất huyết Dengue rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh nhân lực y tế có sự thay đổi, cần tiếp tục bổ sung hướng dẫn cho cán bộ mới nhằm nâng cao chất lượng điều trị sốt xuất huyết Dengue tại cơ sở.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa đề nghị các cơ sở y tế cần chuẩn bị sẵn, đầy đủ cơ sở vật chất, thuốc men, dịch truyền cũng như các chế phẩm máu,.. để có thể sẵn sàng tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Bên cạnh đó, các đơn vị rà soát quy trình tiếp nhận, phân loại bệnh nhân; chú trọng việc theo dõi điều trị bệnh nhân, đặc biệt thời điểm nghỉ lễ, giao ca. Các bệnh viện củng cố duy trì nhóm điều trị sốt xuất huyết Dengue tại bệnh viện, thiết lập đường dây nóng...
Các cơ sở y tế tuân thủ báo cáo ca bệnh sốt xuất huyết Dengue cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật địa phương; đảm bảo vệ sinh, xử lý môi trường bệnh viện không để muỗi sốt xuất huyết Dengue lưu hành, không để bệnh viện cũng là ổ dịch sốt xuất huyết Dengue…
Đến đầu tháng 10/2023, cả nước đã ghi nhận hơn 93.800 ca mắc sốt xuất huyết, 26 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc giảm 58,9%, tử vong giảm 91 trường hợp.
Tại Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, có 17.974 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022); trong đó có 3 ca tử vong. Tổng số ổ dịch từ đầu năm đến nay là 1.143; hiện còn 264 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã. Một số ổ dịch diễn biến phức tạp kéo dài như: Xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 506 bệnh nhân; xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất có 365 bệnh nhân; thôn Đống, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai có 81 bệnh nhân…/.