UBND tỉnh đã xây dựng các kịch bản để thích ứng với tình hình mới; thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư…
TTXVN - Chiều 25/5, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị phân tích Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; cải cách hành chính; hiệu quả và quản trị hành chính công; sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 của tỉnh.
Năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang phục hồi tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực đạt và vượt 24/24 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nhưng trong thực tế thị trường có một số diễn biến chưa thật sự thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Từ đó có một số yếu tố ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến sự quan tâm của doanh nghiệp khi tiếp nhận và cho ý kiến đối với phiếu khảo sát về chỉ số năng lực cạnh tranh.
UBND tỉnh đã xây dựng các kịch bản để thích ứng với tình hình mới; thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tạo mọi thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư…Từ đó, góp phần đưa tỉnh Kiên Giang vào nhóm các tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng cao trong năm 2022.
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phục hồi tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực đạt và vượt 24/24 chỉ tiêu kế hoạch đề ra; thu nhập bình quân đầu người đạt 66,24 triệu đồng, tăng 8% so với kế hoạch. Đạt mức tăng trưởng khá cao, đứng thứ 47/63 tỉnh, thành phố và thứ 8/13 các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Kết quả điểm số và thứ hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của tỉnh, tổng số điểm đạt được 84,31/100 điểm (tăng 4,34 điểm, xếp hạng thứ 41/63 tỉnh, thành phố, tăng 22 bậc so với năm 2021 - đứng vị trí thứ 6/13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tăng 7 bậc so với năm 2021). Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt 80,10% (giảm 3,78% so với năm 2021 (83,88%), đứng vị trí thứ 24/63 tỉnh, thành phố, tăng 34 bậc so với năm 2021.
Tuy kết quả xếp hạng Chỉ số số năng lực cạnh tranh chung của tỉnh năm 2022 chưa đạt được thứ hạng cao (56/63 tỉnh, thành phố - tăng 4 bậc so với năm 2021) và đứng thứ 11/13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (tăng 2 bậc so với năm 2021), nhưng một số chỉ tiêu thành phần vẫn đạt thứ hạng tương đối cao, như chỉ số cạnh tranh bình đẳng hạng 10/63 và chỉ số chi phí gia nhập thị trường hạng 13/63 tỉnh, thành phố.
Nguyên nhân Chỉ số số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa đạt thứ hạng cao của Kiên Giang phải kể đến trước hết do việc đánh giá của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình được tham gia khảo sát có lúc, có lĩnh vực chưa phản ánh đúng thực tế (đến cuối năm 2022 trên địa bàn tỉnh có tổng cộng trên 11.296 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng số phiếu khảo sát để lấy ý kiến của doanh nghiệp, nhà đầu tư chiếm tỷ lệ không nhiều). Do đó chưa phản ánh hết lợi thế và dư địa hiện có của tỉnh. Bên cạnh đó, một số sở, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt, còn xem nhẹ công tác xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao...
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết, để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp với quyết tâm cao nhất, giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh tập trung giải quyết tốt 3 nhóm vấn đề: “Cải cách hành chính”; “Công khai minh bạch”; “Trách nhiệm giải trình”, hướng tới mục tiêu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023 của tỉnh phải tăng điểm, tăng hạng và phấn đấu đạt từ 67 điểm trở lên, trở lại nhóm các tỉnh có thứ hạng khá của cả nước. Từ đó, làm tiền đề để tiếp tục phấn đấu lên nhóm các tỉnh được xếp hạng cao của cả nước trong giai đoạn đến năm 2025 (năm 2022 chỉ tiêu phấn đấu phải đạt từ 65 điểm trở lên và trở lại nhóm các tỉnh có thứ hạng khá của cả nước, nhưng thực tế chỉ đạt 62,24/65 điểm).
Ông Lâm Minh Thành yêu cầu các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan tiếp tục tăng cường phối hợp để tạo sự đồng bộ trong việc tổ chức triển khai thực hiện việc nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Chỉ số cải cách hành chính; xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể để khắc phục và nâng cao các chỉ số có điểm số và thứ hạng thấp.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức đối thoại doanh nghiệp định kỳ hoặc đột xuất. Qua đó, cung cấp thông tin các chủ trương chính sách của tỉnh và kịp thời giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh rà soát, kiện toàn tổ chức và thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, doanh nhân có uy tín tham gia vào hiệp hội; phát huy hơn nữa vai trò cầu nối giữa chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp; phối hợp tuyên truyền về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để các doanh nghiệp hiểu và đánh giá đúng trong quá trình tham gia khảo sát.
Tỉnh tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để ra cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Kiên Giang nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm phục vụ hành chính công và bộ phận một cửa; tăng tối đa số thủ tục hành chính đưa vào giải quyết tại các trung tâm hành chính công và bộ phận một cửa, nhất là các thủ tục hành chính mà doanh nghiệp phản ánh còn nhiều phiền hà trong quá trình thực hiện./.