Thực thi chính sách

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Hà Nam

Hà Nam

Trung tâm Điều hành thông minh được ví như “bộ não số” của tỉnh với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển trung tâm, tạo ra cái nhìn tổng thể toàn cảnh trên mọi lĩnh vực.

TTXVN - Ngày 25/5, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị giới thiệu các tiện ích điều hành thông minh cho đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Vượng, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Hà Nam chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2020 và được coi là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh. Trung tâm Điều hành thông minh được ví như “bộ não số” của tỉnh với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển trung tâm, tạo ra cái nhìn tổng thể toàn cảnh trên mọi lĩnh vực.

Hiện Trung tâm Điều hành thông minh đã tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin hiện có của các sở, ngành, UBND thành phố Phủ Lý; cụ thể là các phần mềm ứng dụng tích hợp trực tuyến như: Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh, phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, Y tế, Trung tâm điều hành thông minh thành phố Phủ Lý (đã tích hợp 10 camera), các chỉ số cơ bản về kinh tế - xã hội được các ngành cung cấp số liệu và cập nhật vào hệ thống định kỳ.

Trung tâm hoạt động hiệu quả sẽ giúp lãnh đạo tỉnh có cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, ban, ngành, địa phương, lĩnh vực trên phạm vi toàn tỉnh. Trung tâm điều hành là nơi phân tích dữ liệu lớn, đưa ra cảnh báo, hỗ trợ ra quyết định ở nhiều lĩnh vực khác đảm bảo chính xác, minh bạch.

Tại hội nghị, đại diện Tập đoàn VNPT đã giới thiệu các tiện ích điều hành thông minh và chức năng trọng tâm của Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Hà Nam như: giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội; chỉ tiêu báo cáo, thống kê; hoạt động của chính quyền; việc quản lý, sử dụng đất đai; điều hành an ninh trật tự cộng đồng, an toàn giao thông; tương tác, giao tiếp phục vụ công dân; chất lượng môi trường; thông tin trên internet…

Các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai vận hành Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Hà Nam; từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể để Trung tâm hoạt động có hiệu quả, góp phần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, điều hành và chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền số vì người dân phục vụ.

Kết luận Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy nhấn mạnh, việc xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Hà Nam là mô hình tiên tiến, đảm bảo tính khoa học, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đổi mới quản lý, sáng tạo trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, góp phần xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Hà Nam, xây dựng thành phố thông minh tiến tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam đề nghị, Ban cán sự UBND tỉnh tiếp tục bổ sung về cơ sở vật chất, chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng các đề án có lộ trình cụ thể, nhất là bố trí kinh phí, con người để vận hành có hiệu quả Trung tâm; sắp xếp bộ máy, bố trí cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực này về làm việc tại Trung tâm cũng như hướng dẫn các nhân viên tại Trung tâm làm việc có hiệu quả.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ theo từng lĩnh vực, gửi dữ liệu thường xuyên, liên tục về Trung tâm Điều hành thông minh; quán triệt cụ thể chỉ đạo của tỉnh về việc chuyển đổi số cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn, tạo chuyển biến về nhận thức trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực. Qua đó, góp phần đưa Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh hoạt động hiệu quả, chính xác, minh bạch, phục vụ đắc lực cho người dân và doanh nghiệp./.

Thanh Tuấn

Xem thêm