Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV: Cần các quyết sách thiết thực để bảo đảm an sinh xã hội
Nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn, thậm chí phải rút khỏi thị trường lao động, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động. Cần các quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội.
TTXVN - Tiếp tục Chương trình làm việc, sáng 31/5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Nhiều đại biểu nêu ra thực trạng nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn, thậm chí phải rút khỏi thị trường lao động, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động; cần các quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội
* Nhiều doanh nghiệp gặp khó, rút khỏi thị trường lao động
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ và cho rằng, các báo cáo đã đánh giá đầy đủ, toàn diện về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động và khó lường, nhưng Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thiết thực, Chính phủ đã điều hành linh hoạt, hiệu quả, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp.
Năm 2022, nước ta đã thực hiện khá toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo các biện pháp phòng dịch COVID-19. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 4 tháng đầu năm 2023 đạt 3,32%, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, thị trường tín dụng, tiền tệ đảm bảo, lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung triển khai nhiều công trình phúc lợi cho người dân; nhiều dự án tồn đọng kéo dài đã được xử lý và đạt được kết quả bước đầu.
Đại biểu tỉnh Tuyên Quang bày tỏ đồng tình với 11 nhóm giải pháp Chính phủ đã đề ra, nhưng cũng nêu những khó khăn và yếu tố bất lợi đã xuất hiện trong những tháng đầu năm 2023, tác động đến mục tiêu tăng trưởng như giải ngân vốn đầu tư công triển khai chậm, tiêu dùng và xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu và đơn đặt hàng bị thu hẹp. Theo đại biểu, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lao động tăng 25,1% so với năm trước, tương ứng với hơn 77 nghìn doanh nghiệp. Trung bình một tháng có 19,2 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, nhiều công ty rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, thậm chí phải bán tài sản để giải quyết công việc. Số lao động mất việc làm trong quý I/2023 là 149 nghìn lao động (tăng 39 nghìn lao động so với quý I/2022).
“Những khó khăn của doanh nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người lao động, tiềm ẩn khó khăn về an sinh và trật tự an toàn xã hội”, đại biểu Ma Thị Thúy nhấn mạnh.
Đại biểu Ma Thị Thúy cũng đồng tình với Chính phủ về việc không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng là 6,5% trong năm 2023, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đồng thời đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm một số giải pháp như cần sớm rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang được triển khai, xem chính sách nào hiệu quả, chính sách nào chưa thực sự hiệu quả để tạm dừng hoặc có biện pháp thay đổi kịp thời, bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế.
Theo đại biểu, biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp như giảm lãi suất ngân hàng, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm, giãn, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội... Quốc hội, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách riêng, cụ thể về đầu tư công; quyết tâm, sát sao hơn nữa để gỡ các vướng mắc, nhất là các vướng mắc về thể chế, văn bản hướng dẫn cho các địa phương; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho địa phương chủ động thực hiện và tự chịu trách nhiệm như việc phân cấp chuyển mục đích sử dụng đất lúa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng…
* Các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động giải ngân chậm
Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) nhất trí với Báo cáo về tình hình thực hiện kinh tế-xã hội trong nước thời gian qua và các giải pháp Chính phủ đề ra trong thời gian tới, đồng thời đánh giá cao giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho doanh nghiệp, gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho công nhân lao động. Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Bắc Ninh cho rằng, việc giải ngân các gói hỗ trợ còn rất thấp nên cần đẩy nhanh tiến độ...
Theo đại biểu, năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Năm 2022, có Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ với các gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% cho doanh nghiệp vay xây nhà cho công nhân; 15.000 tỷ đồng cho công nhân vay mua nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và mới đây nhất là gói 120.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 năm, đã có 3 gói hỗ trợ dành cho người thụ hưởng chính là công nhân lao động. Điều này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ đối với công nhân lao động trong cả nước.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, hai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 đang giải ngân rất thấp, mới được gần 1% và gói 15.000 tỷ đồng mới giải ngân được trên 34%. Hiện Chính phủ lại giao tiếp gói 120.000 tỷ đồng, trong đó đối tượng và thời gian kết thúc của 3 gói tín dụng này đang trùng lắp nhau và đều kết thúc vào cuối năm 2023.
Đại biểu đặt vấn đề, 2 gói tín dụng trước chưa hấp thụ hết, liệu gói 120.000 tỷ đồng có khả thi hay không trong khi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở đang được sửa đổi và quy hoạch chưa phê duyệt xong?
Trước bất cập trên, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị Chính phủ gộp 3 gói hỗ trợ thành 1 và đề xuất cho kéo dài đến hết năm 2025 thì mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ Chính phủ đề ra mới có thể hoàn thành.
Quan tâm đến vấn đề lao động Việt Nam, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sẽ kéo theo tỷ lệ thất nghiệp tăng, lạm phát cũng tăng theo và ngược lại. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, việc ký kết các Hiệp định thương mại đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nhưng đi kèm là không ít thách thức, nhất là tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng. Theo đại biểu, điều này Chính phủ đã lường trước, đã có những quyết sách mang tính vĩ mô và cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thất nghiệp của người lao động và những tác động trực tiếp hay gián tiếp của thất nghiệp lên kinh tế - xã hội tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm.
Đại biểu kiến nghị năm 2023 Chính phủ xác định là năm dữ liệu số Việt Nam, nên các bộ, ngành liên quan sớm hoàn chỉnh dữ liệu thống kê về tình trạng thất nghiệp hiện nay.
* Cần các quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội
Đề cập đến vấn đề bảo đảm quyền an sinh xã hội cho người lao động, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) cho rằng, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã làm cho thị trường lao động Việt Nam ảnh hưởng nặng nề, tình trạng sụt giảm sản xuất của các doanh nghiệp dẫn đến hàng trăm nghìn lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhất là tại các khu công nghiệp, gây ảnh hưởng tới đời sống và quyền an sinh xã hội của người lao động.
Mất việc làm có thể được xem là một trong những rủi ro lớn nhất, người lao động dễ bị tổn thương do mất đi nguồn thu nhập chính để ổn định cuộc sống cho bản thân và những người phụ thuộc vào họ (trẻ em và người già không còn sức lao động). Khi rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, những đối tượng này còn có nguy cơ đối mặt với những áp lực, thậm chí là khủng hoảng về tinh thần, có thể dẫn tới những hành động tiêu cực, ảnh hưởng không chỉ bản thân, gia đình của những đối tượng này mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội như bạo lực, bỏ học hay các tệ nạn xã hội…
Đại biểu đặt câu hỏi, nếu người lao động đột ngột bị mất việc làm, giảm giờ làm, cắt giảm các khoản phúc lợi hoặc mất đi tiền lương hàng tháng, nếu an sinh xã hội của người lao động không được đảm bảo tốt, không được bù đắp do thu nhập bị giảm sút, trợ cấp thất nghiệp không đủ chi trả cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày thì phản ứng của họ sẽ ra sao? Tình trạng ngừng việc hoặc đình công có xảy ra hay không? Chính phủ đã dự phòng các giải pháp kịp thời dài hạn cho các rủi ro trên hay chưa? Điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia.
Theo bà Đinh Thị Ngọc Dung, tại thời điểm này, người dân và doanh nghiệp đang rất cần các quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài việc cần thiết tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách theo hướng xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, người làm chính sách cần đặt người lao động ở vị trí trung tâm chính sách và lấy quyền an sinh xã hội của họ làm tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả của chính sách khi đi vào thực tiễn cuộc sống.
Bên cạnh đó, Chính phủ nên nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm ứng phó với những rủi ro đột ngột. Việc thiết lập quỹ dự phòng sẽ góp phần giảm tải gánh nặng cho các quỹ an sinh xã hội truyền thống như quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế; bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích của người lao động, góp phần củng cố an toàn và bền vững hệ thống an sinh xã hội quốc gia./.
Đỗ Bình – Hải Ngọc