Hiện tỉnh Lạng Sơn có trên 320 hợp tác xã nông nghiệp đăng ký hoạt động. So với những hợp tác xã ở các lĩnh vực khác, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có quy mô nhỏ hơn nhưng đang đứng đúng vị trí là “bà đỡ” cho nông dân trong liên kết tiêu thụ sản phẩm.
TTXVN - Tại huyện Văn Lãng, thương hiệu "Hồng Vành khuyên" đang được định hình và phát triển. Đây là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Với tổng diện tích khoảng 1.350 ha; sản lượng ước đạt 6.000 tấn/năm; giá trị hàng năm thu được ước khoảng 72 tỷ đồng/năm, cây hồng Vành khuyên được trồng nhiều ở các xã Tân Mỹ, Hoàng Việt, Hoàng Văn Thụ, Thanh Long, Hồng Thái.
Để liên kết tiêu thụ quả hồng Vành khuyên, UBND huyện Văn Lãng đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn hướng dẫn thành lập các hợp tác xã chuyên sản xuất kinh doanh hồng Vành khuyên và cửa hàng giới thiệu trưng bày, bán các sản phẩm OCOP của huyện. Đây chính là đầu mối quan trọng để liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân trên địa bàn.
Ông Lý Hồng Tú, Giám đốc Hợp tác xã Hồng Vành khuyên và cung ứng nông nghiệp Quyết Tiến, huyện Văn Lãng cho biết, dù mới thành lập được 2 năm nhưng Hợp tác xã đã phát huy hiệu quả trong sản xuất, nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ hồng Vành khuyên cho người dân cũng như các thành viên.
Mùa vụ năm 2022, Hợp tác xã thu mua trên 220 tấn hồng, doanh thu ước đạt trên 220 triệu đồng; dự kiến năm 2023 sẽ tăng doanh thu lên 300 triệu đồng. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho các thành viên và nhân dân để sản xuất hồng theo hướng hữu cơ sạch, đảm bảo các tiêu chuẩn VietGAP và tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP cho thương hiệu "Hồng Vành khuyên".
Theo anh Âu Văn Bội, thành viên Hợp tác xã Hồng Vành khuyên và cung ứng nông nghiệp Quyết Tiến, nhiều năm trở lại đây, cây hồng luôn cho quả đều, giá cả cũng ổn định nên gia đình rất phấn khởi. Đến vụ thu hoạch, gia đình luôn phải tập trung hết nhân lực để thu hái, đóng gói, vận chuyển đi các tỉnh tiêu thụ. Qua kênh tiêu thụ của hợp tác xã, giá cả mua bán cũng ổn định hơn, không còn bấp bênh và lo sợ bị ép giá.
Còn tại xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn, nhờ những hỗ trợ của UBND thành phố, của tỉnh về nguồn vốn, Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ Quảng Hồng đã chủ động điều hành, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển mô hình nuôi ong lấy mật.
Ông Hoàng Văn Cương, Phó Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng cho hay, trước đây việc sản xuất của các hộ thành viên hợp tác xã mang tính tự phát, sản phẩm làm ra chưa có thương hiệu trên thị trường. Năm 2018, được hỗ trợ kinh phí, hợp tác xã đã xây dựng thương hiệu “Mật ong hương rừng Xứ Lạng”.
Mỗi sản phẩm đều có tem, mã vạch truy xuất nguồn gốc, được cơ quan chức năng chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, không chỉ riêng mô hình nuôi ong lấy mật, đơn vị đã đẩy mạnh mở rộng trồng, chăm sóc cây ăn quả, rau màu và mở rộng thêm mô hình trồng trọt, ươm cây giống… Năm 2022, doanh thu của Hợp tác xã ước đạt trên 1 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng, tăng 200 triệu đồng so với năm 2021.
Hiện tỉnh Lạng Sơn có trên 320 hợp tác xã nông nghiệp đăng ký hoạt động. So với những hợp tác xã ở các lĩnh vực khác, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có quy mô nhỏ hơn nhưng đang đứng đúng vị trí là “bà đỡ” cho nông dân trong liên kết tiêu thụ sản phẩm. Nhiều hợp tác xã đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh để bắt kịp xu hướng phát triển hiện nay…
Các hợp tác xã nông sản tỉnh Lạng Sơn đã tích cực, chủ động, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển. Đặc biệt, nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã chủ động, tích cực trong việc liên kết với các hộ dân để hình hành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng phục vụ cho hoạt động sản xuất; đồng thời tạo lập được mối quan hệ hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong liên kết bao tiêu sản phẩm…
Xác định thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm bền vững, tỉnh Lạng Sơn đã chú trọng phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng cơ giới hoá, xây dựng các chuỗi liên kết trên cơ sở các nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương.
Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Hữu Hải, thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã rất quan tâm đến việc liên kết các hợp tác xã trên địa bàn để kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản cho bà con. Liên minh Hợp tác xã tỉnh sẽ tiếp tục tập trung xây dựng điểm, chợ sản phẩm nông sản trực tuyến cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số miền núi; đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ các hợp tác xã trên địa bàn để phát triển việc tiêu thụ sản phẩm nông sản bằng các hình thức trực tuyến cũng như trực tiếp./.
- Từ khóa:
- Lạng Sơn
- sản xuất
- nông nghiệp