Để đạt tiêu chí của UNESCO, các chuyên gia nhấn mạnh phải có từ 3-4 tuyến tham quan toàn cảnh công viên địa chất cho du khách.
TTXVN - Ngày 27/3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND dân tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên, Trưởng ban Chỉ đạo Xây dựng Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Lạng Sơn chủ trì buổi làm việc với Đoàn chuyên gia tư vấn xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn, do ông Guy Martini, Tiến sĩ địa chất, Chuyên gia tư vấn cao cấp quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO làm Trưởng đoàn.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Dương Xuân Huyên yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp thu ý kiến của đoàn chuyên gia, hoàn thiện báo cáo gửi UBND tỉnh cũng như tờ trình xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc điều chỉnh phạm vi, ranh giới của Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn (công viên); phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tham mưu Ban Chỉ đạo Xây dựng Công viên địa chất toàn cầu tỉnh, triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo tiến độ kế hoạch đã đề ra.
Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố phối hợp với Ban Quản lý công viên khẩn trương hoàn thiện báo cáo về việc bổ sung các điểm du lịch vào 4 tuyến tham quan dự kiến vùng công viên địa chất trước ngày 30/3; đồng thời xem xét quy hoạch hạ tầng bãi đỗ xe, trung tâm thông tin công viên địa chất, biển bảng giới thiệu, thuyết minh tại các điểm tham quan; sớm hoàn thiện hồ sơ thỏa thuận.
Trước đó, từ ngày 11-15/3, Đoàn chuyên gia đã khảo sát tổng quan hiện trạng giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh học, di sản văn hóa, sản phẩm du lịch tại huyện Lộc Bình, Hữu Lũng, Chi Lăng, Bình Gia, Văn Quan, Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn.
Để đạt tiêu chí của UNESCO, các chuyên gia nhấn mạnh phải có từ 3-4 tuyến tham quan toàn cảnh công viên địa chất cho du khách. Do vậy, sau chuyến khảo sát, đoàn đã lựa chọn một số điểm giàu tiềm năng trên địa bàn các huyện, thành phố để xây dựng 4 tuyến tham quan với 41 điểm tham quan dự kiến. Trong đó, mỗi tuyến tham quan đều có các điểm hóa thạch cổ sinh, di sản địa chất và ít nhất một điểm di tích gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu.
Đối với 4 tuyến tham quan, Đoàn chuyên gia đề xuất sớm bố trí bãi đỗ xe tại các điểm tham quan trong vùng công viên; xây dựng trung tâm thông tin tại các huyện, thành phố... Một số ý kiến tập trung thảo luận và đề xuất định hướng, biện pháp để phát triển công viên địa chất như: Quy hoạch bãi đỗ xe tại các địa điểm phục vụ cho việc sử dụng lâu dài; đề xuất đưa thêm một số địa điểm tiêu biểu bổ sung vào các tuyến tham quan dự kiến cũng như phục vụ các tuyến du lịch nội huyện; xây dựng công viên địa chất gắn với phát triển kinh tế - xã hội… Từ những tiêu chí đó, công viên sẽ đáp ứng một số tiêu chí về đa dạng di sản, địa chất, địa mạo, văn hóa, lịch sử khảo cổ, các ngành nghề địa phương tiêu biểu…
Trong chương trình làm việc, các chuyên gia tư vấn cũng nêu lộ trình cụ thể và điều kiện tối thiểu để xây dựng công viên địa chất toàn cầu như: Điều chỉnh phạm vi công viên theo hướng mở rộng sang địa bàn thành phố Lạng Sơn, một số xã thuộc huyện Cao Lộc và thu hẹp phạm vi huyện Bình Gia./.