Trong bối cảnh thị trường lao động có nhiều biến động, những lao động có tay nghề, kỹ năng, đã qua đào tạo có ưu thế, thuận lợi hơn.
TTXVN - Thị trường lao động tại một số địa phương khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam trong những tháng đầu năm 2023 tiếp tục có nhiều biến động. Bên cạnh các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển mới lao động, nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động do đơn hàng giảm sút. Trong bối cảnh đó, những lao động có tay nghề, kỹ năng, đã qua đào tạo có ưu thế, thuận lợi hơn trong tìm việc làm, chuyển đổi vị trí lao động .
Thách thức và cơ hội cho người lao động
Thông tin từ Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, đặc điểm của thị trường lao động tại địa phương trong những tháng đầu năm 2023 là các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đều muốn thu hút nguồn lao động trẻ, có tay nghề, năng động để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp chỉ tuyển lao động phổ thông từ 18-35 tuổi, nếu trên 35 tuổi thì người lao động phải có tay nghề. Sau dịp Tết Nguyên đán 2023, một số doanh nghiệp trên địa bàn Bình Dương đăng tải thông tin tuyển dụng như Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Accasette, Công ty May Esprinta VN đều ưu tiên tuyển công nhân có tay nghề. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp gỗ cũng bắt đầu tuyển dụng trở lại, một số vị trí tuyển dụng ngoài yêu cầu về tay nghề, trình độ còn yêu cầu về kỹ năng ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung. Một số lao động đang làm việc tại Khu công nghiệp Sóng Thần 3 (tỉnh Bình Dương) cho hay: Trong những tháng đầu năm 2023, do đơn hàng giảm sút, có doanh nghiệp chỉ ưu tiên chọn sản suất tăng ca, qua đó nâng cao thu nhập đối với những lao động có tay nghề giỏi.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo thông tin từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố, ngay trong những tháng cuối năm 2022, nhu cầu lao động đã qua đào tạo của các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn chiếm gần 85% tổng nhu cầu tuyển dụng, còn lao động chưa qua đào tạo chỉ chiếm hơn 15%.
Đối với năm 2023, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định: tùy theo mức độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số nền kinh tế lớn, tại Thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 280.000 -320.000 chỗ làm việc. Trong đó nhu cầu nhân lực tập trung ở các khối ngành như: thương mại, công nghiệp, dịch vụ, xây dựng, nông lâm nghiệp, thủy sản… Nhu cầu lao động chủ yếu là nhân lực đã qua đào tạo ở các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học trở lên, nhu cầu lao động chưa qua đào tạo chỉ chiếm khoảng hơn 13 %.
Liên quan đến thách thức đối với người lao động về việc làm và thu nhập, theo ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh: Hiệp hội tiến hành khảo sát hơn 100 doanh nghiệp về tình hình sản xuất kinh doanh cho đến tháng 2 năm nay. Kết quả, khoảng 83% doanh nghiệp được khảo sát đang gặp khó khăn khiến nhiều lao động bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp trả mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng từ 80% của quý 2 năm 2022 xuống chỉ còn 65% trong quý 1/2023. Dự kiến từ quý 2 năm nay, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp sẽ khá hơn, doanh nghiệp linh hoạt ứng phó, tìm kiếm mở rộng thêm khách hàng, qua đó tạo việc làm, “giữ chân” người lao động.
Thúc đẩy đào tạo nghề, trang bị kỹ năng
Thị trường lao động nhiều biến động. Người lao động đứng trước thách thức, khó khăn. Những lao động trẻ có tay nghề, kỹ năng, đã qua đào tạo sẽ có thuận lợi hơn trong duy trì việc làm hoặc tìm việc làm mới. Thực tế này đòi hỏi các ngành, địa phương thúc đẩy đổi mới, phát triển các cơ sở dạy nghề theo hướng đổi mới chương trình, bồi dưỡng, trang bị các kỹ năng cần thiết cho người lao động.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho rằng: Việt Nam đang ở giai đoạn dân số "vàng", nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là "vàng". Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 26,1%. Các chương trình đào tạo ngắn hạn trực tiếp tại doanh nghiệp là một trong những giải pháp tối ưu để có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt về kỹ năng lao động hiện tại.
Từ góc độ địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đề xuất các cấp, các ngành tiếp tục làm tốt các công tác quản lý và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực; triển khai hiệu quả các giải pháp kết nối cung - cầu, trong đó đẩy mạnh liên kết vùng, điều tiết cung cầu lao động, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, tăng cường kết nối doanh nghiệp với hệ thống cơ sở dữ liệu nghề nghiệp, phát triển mô hình đào tạo song hành giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, đào tạo lại, đào tạo nâng cao thường xuyên, liên tục cho người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và người lao động đang có việc làm trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho hay: tỉnh thuộc tứ giác kinh tế của khu vực phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai), có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút lượng lớn lao động. Do đó, cùng với tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giải quyết việc làm, mở nhiều sàn giao dịch việc làm, tỉnh đa dạng hóa các hình thức tạo việc làm kết hợp đào tạo nghề; tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao.
Cùng đó, các ngành, địa phương, doanh nghiệp tăng cường phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, đặc biệt là lao động trẻ, lao động dân tộc thiểu số, lao động nữ nhằm phát triển về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, để đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, có khả năng tiếp thu nhanh và làm chủ công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động./.