Văn hóa

Lễ hội chọi trâu thể hiện tinh thần thượng võ của người dân miền biển Đồ Sơn

Hải Phòng

Trải qua 35 năm khôi phục và phát triển, lễ hội ngày càng hoàn thiện về công tác tổ chức, đồng thời vẫn giữ nguyên những yếu tố dân gian, những giá trị văn hóa truyền thống.

Toàn cảnh sân vận động Đồ Sơn trong ngày lễ hội chọi trâu. 
Ảnh: Hoàng Ngọc - TTXVN 

Ngày 21/9, tại sân vận động Trung tâm quận Đồ Sơn, quận Đồ Sơn tổ chức Lễ hội chọi trâu truyền thống năm 2024. Năm nay, lễ hội tổ chức lùi từ ngày 8/9 Âm lịch sang ngày 19/8 Âm lịch do quận Đồ Sơn là một trong những địa phương của Hải Phòng bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3.

Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Trần Khắc Kiên, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết, Lễ hội chọi trâu Đỗ Sơn là lễ hội dân gian truyền thống, gắn liền với tục thờ thủy thần và hiến sinh đã có từ rất lâu đời, lưu giữ những nét sinh hoạt văn tâm linh, bản sắc văn hóa mang tính cộng đồng, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân miền biển Đồ Sơn với khát vọng chinh phục thiên nhiên, làm chủ biển cả. Đây là lễ hội có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hóa nông nghiệp vùng đồng bằng với những yếu tố văn hóa của cư dân ven biển thể hiện sự đa dạng trong văn hóa, tín ngưỡng dân gian Việt Nam và gắn liền với chiều dài lịch sử, sự phát triển của vùng đất, con người Đồ Sơn.

Những miếng đánh của các ông Trâu. 
Ảnh: Hoàng Ngọc - TTXVN 

Trải qua 35 năm khôi phục và phát triển, lễ hội ngày càng hoàn thiện về công tác tổ chức, đồng thời vẫn giữ nguyên những yếu tố dân gian, những giá trị văn hóa truyền thống. Lễ hội trở thành di sản văn hóa quý báu, sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn của cả nước nói chung và của vùng đất Đồ Sơn, Hải Phòng nói riêng. Với ý nghĩa và giá trị nhân văn đó, Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục "Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia" năm 2012. Đây là niềm vinh dự lớn lao, đồng thời là trách nhiệm to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Đồ Sơn trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển lễ hội, đưa Lễ hội trở thành nguồn lực phát triển kinh tế của địa phương, thu hút du khách trong và ngoài nước đến cổ vũ, tham dự.

Lễ hội năm 2024 có 16 trâu tham gia, chia thành 8 cặp thi đấu. Những trâu tham gia lễ hội được chọn lựa và huấn luyện kỹ lưỡng, thể hiện sức mạnh và sự dũng mãnh. Trâu thi đấu là trâu đực, khỏe mạnh, có khả năng chịu đòn tốt.

Sau vòng loại, các trâu tham gia đấu vòng tứ kết, bán kết và chung kết. Kết quả, trâu số 04 của ông Lưu Đình Khang, phường Hải Sơn giành giải Nhất trị giá 100 triệu đồng; trâu số 07 của ông Nguyễn Ngọc Hùng, phường Ngọc Sơn giành giải Nhì trị giá 60 triệu đồng; 2 trâu số 10 và trâu số 13 đồng giải Ba mỗi trâu nhận 30 triệu đồng. Ban tổ chức còn trao giải cặp trâu chọi hay nhất cho trâu số 13 và 14./.

Minh Thu

Xem thêm