Văn hóa

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023: Tôn vinh giá trị nghệ thuật và sáng tạo

Hà Nội

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 đã tạo ra “đại tiệc” văn hóa nghệ thuật đa sắc màu và truyền cảm hứng cho người dân Thủ đô cũng như du khách tham gia, đặc biệt là giới trẻ.

TTXVN - Với 60 sự kiện, hoạt động tại tuyến chính, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 diễn ra từ ngày 17-26/11 thực sự trở thành nơi giao lưu, kết nối và giới thiệu những hoạt động sáng tạo của các lĩnh vực.

* Đại tiệc văn hóa nghệ thuật đa sắc màu

Pavilion “Không gian Kiến trúc và Nghệ thuật Phân xưởng nóng” (bản phác họa). (Ảnh: BTC cung cấp)

Chín chương trình biểu diễn nghệ thuật âm nhạc, thời trang, trình diễn Graffiti... trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 đã tạo ra “đại tiệc” văn hóa nghệ thuật đa sắc màu và truyền cảm hứng cho người dân Thủ đô cũng như du khách tham gia, đặc biệt là giới trẻ.

Chương trình nghệ thuật “Khơi dòng" tại lễ khai mạc Lễ hội là điểm nhấn, như một lời kêu gọi, niềm cảm hứng gợi lên những ước vọng của cộng đồng, những nhà sáng tạo bước tới tương lai với điểm tựa từ di sản. Với hai chương “Qua miền ký ức” và “Ước vọng”, chương trình sẽ khơi gợi lại những cảm thức lịch sử và những ánh xạ từ quá khứ, qua đó hòa quyện với cảm hứng tương lai. Thông qua các tác phẩm với những chủ đề, câu chuyện cùng những hình thái cảm xúc khác nhau, khán giả sẽ cảm nhận được tinh thần tôn vinh sự sáng tạo, cũng như kết nối mạnh mẽ của nhiều khía cạnh trong nghệ thuật, lấy cảm hứng xuyên suốt là chất liệu di sản văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Trình diễn âm thanh “Âm cảnh Ga Hà Nội” được thực hiện tương tự như một buổi trình diễn thực cảnh với sự xuất hiện của các nghệ sĩ nhạc xẩm, nhạc công, nghệ nhân vẽ truyền thần trực tiếp trên sân khấu, cùng công nhân làm tại ga Hà Nội, nhà máy toa xe Gia Lâm và những người liên quan trực tiếp đến các chuyến tàu hỏa, góp phần tạo nên trải nghiệm chân thực cho khán giả. Trình diễn âm thanh "Âm cảnh Ga Hà Nội” là một trình diễn đa phương tiện với những mẫu âm được nghệ sỹ Trí Minh thu âm. Tác phẩm là một trình diễn âm thanh, hình ảnh và ngẫu hứng trình diễn tại chỗ, tạo sự tương tác, liên tưởng và phóng túng về Ga Hà Nội. 7 loạt âm cảnh của buổi trình diễn sẽ mang đến cho người xem bản hòa ca đặc sắc của cảm xúc, từ tiếng còi tàu, tiếng hát xẩm, tiếng đọc thơ đến tiếng động của máy móc.

Tiếp đó, Chương trình biểu diễn Rock "Dòng chảy” tối 18/11 tại Sân xưởng chính Nhà máy xe lửa Gia Lâm là một đêm bùng nổ về âm nhạc với sự trình diễn của các ban nhạc: Khật, Thủy Triều Đỏ, Gas Station và Purple Blues. Tại Lễ hội này, Khật sẽ mang đến cho tất cả người yêu nhạc những ca khúc: Kẻ nói dối tệ bạc (Imagine Dragons), Chiếc khăn piêu (Tùng Dương), Vui (Khật), Đường ta đi (Khật)... Tại đêm nhạc,  những ca khúc của Thủy Triều Đỏ được nhiều bạn trẻ yêu thích cover sẽ vang lên như: Cánh thư cuối cùng, Nơi tuổi thơ tôi qua, Nắng mới, Cô giáo vùng cao….

Màn trình diễn sân khấu Graffiti ''King Royal Pride 2023” kết hợp cùng những âm nhạc điện tử sôi động nhất sẽ diễn ra ngày 24/11 tại Khu vực cầu Lăn Chìm - Sân khấu ngoài trời của Lễ hội. Trình diễn Graffiti là hoạt động nghệ thuật độc đáo tại Lễ hội. Sự kiện gồm triển lãm mural & workshop; gặp gỡ và giao lưu trên tường diễn ra trong khuôn viên nhà máy cùng 16 triển lãm đa dạng chất liệu và các show nghệ thuật khác. 10 ngày sáng tác hứa hẹn sẽ tạo nên nhiều đột phá của những sự pha trộn phong cách và tương tác giữa các nghệ sĩ với không gian tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.

Tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, người dân Hà Nội sẽ được hòa nhịp và trở thành một phần của quá trình sáng tạo qua các sự kiện đa dạng, mang tính tương tác cao như: Hoạt động cộng đồng tại khu vực bãi giữa, các cuộc thi thiết kế cộng đồng, sân chơi cộng đồng cho trẻ em từ vật liệu tái chế, cùng 120 nhóm tham gia hội chợ thiết kế thủ công đương đại, trải nghiệm ẩm thực...

* Các cung bậc cảm xúc

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm trở thành không gian trưng bày triển lãm sáng tạo và tổ chức các hoạt động nghệ thuật. (Ảnh: BTC cung cấp)

Các phân xưởng Nhà máy Xe lửa Gia Lâm trở thành không gian triển lãm với 16 triển lãm trong số hơn 20 triển lãm tại tuyến chính, kết hợp hiệu ứng thị giác mới lạ với các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Đó là: Triển lãm “Thủy Phủ” của họa sĩ Trịnh Minh Tiến; “Tiếng gọi” của họa sĩ Thu Trần; “MAP 2023 - Chuyển động Ngoại biên” của tổ chức Heritage Space; “Như ta đã từng” của nhiếp ảnh gia Phan Đan, Nguyễn Minh Hoàng, Nguyễn Tú Hằng; “Quá áp” của nghệ sĩ Vy Trịnh và Vân Đỗ...

Triển lãm “Quá áp” sẽ diễn ra tại Trạm điện 33B - Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, hứa hẹn tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc cho người trải nghiệm và là sự phản hồi với không gian trạm điện cao thế. Trong đó, không gian trạm điện cao thế - nhân vật chính trong triển lãm, được tiếp cận như một vật thể vừa con người, vừa phi con người. Triển lãm chứng kiến một cuộc chạm trán giữa những dấu tích còn lại của một cấu trúc kiến trúc xưa cũ với một nghệ sĩ điêu khắc đương đại, đợi chờ một tương lai bất định. “Quá áp" sử dụng những nguyên vật liệu gắn liền với ngành công nghiệp xe lửa từ hệ sinh thái bên trong nhà máy và các khu vực lân cận.

Tại Phân Xưởng 3B1 - Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Triển lãm “Tiếng gọi” là triển lãm sắp đặt hội họa với hơn 40 tác phẩm tranh lụa, lấy cảm hứng từ tiếng gọi của mẹ thiên nhiên, những nữ thần chở che con người qua hành trình từ khai thiên lập địa tới nay. Bằng hình thức ngôn ngữ biểu hiện trừu tượng trong 2.000m lụa dải với chất liệu màu nước, acrylic; lụa, đũi tơ tằm Nam Cao; vải thô Nam Định, “Tiếng gọi” truyền đi thông điệp: Hãy thấu hiểu thiên nhiên, biết ơn những gì mẹ Trái Đất đã tạo ra cho chúng ta để nâng niu, giữ gìn. Các tác phẩm tái hiện sinh động thế giới biến động không ngừng bởi chiến tranh, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu khi trái đất nóng lên và băng tan, dòng nước ngọt trở nên khan hiếm

Tại trưng bày “Góc ký ức đầu máy xe lửa hơi nước”, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng đầu máy xe lửa đầu tiên và cũng là biểu tượng của ngành Đường sắt Việt Nam mang tên Tự Lực Đây là đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước mang số hiệu 141 – 179, sản xuất vào khoảng năm 1965 do các kỹ sư Nhà máy Xe lửa Gia Lâm với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài đã nghiên cứu thiết kế thành công. Chiếc đầu máy này là một trong những chứng nhân lịch sử tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc./.

Đinh Thuận

Tin liên quan

Xem thêm