Các nhà nghiên cứu, phê bình văn học - nghệ thuật đã thảo luận, làm rõ hơn về hành trình thơ văn của Văn Cao, cùng những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời.
TTXVN - Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sỹ Văn Cao (1923-2023), sáng 14/11, tại Hà Nội, Ban Văn học Nghệ thuật VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức hội thảo "Văn Cao - Mùa chữ, mùa người"
Phát biểu đề dẫn, Trưởng ban Văn học Nghệ thuật VOV6 Trần Nhật Minh cho biết: Sáng tác của Văn Cao rất đa dạng trên các lĩnh vực nhạc, thơ, họa trong một khoảng thời gian dài. Nhà thơ, nhạc sỹ, nghệ sỹ Văn Cao có những thành công đỉnh cao trên cả ba lĩnh vực, tuy nhiên, công chúng biết nhiều hơn đến âm nhạc của ông. Trước đó, Ban Văn học Nghệ thuật đã giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách "Văn Cao mùa chữ, mùa người", tập hợp 21 bài viết ở thể loại tiểu luận - nghiên cứu của 21 tác giả về những cống hiến của Văn Cao - một trong những gương mặt nghệ sỹ tài danh hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ XX. Ban Văn học Nghệ thuật tổ chức hội thảo nhằm làm rõ hơn về hành trình thơ văn của ông, cùng những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Gia Thế, Nhà lý luận phê bình văn học, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng Văn Cao không phải là người duy nhất nhưng là người dấn thân mở đường trong thơ. Trong cuộc tranh luận về thơ không vần, Văn Cao là một trong số ít những người đứng về Nguyễn Đình Thi. Quan niệm này đi ngược với cái nhìn phổ quát đương thời về tính đại chúng trong thơ, đồng thời, cũng là sự vượt qua hệ hình Thơ Mới. Khác với phần lớn các nhà thơ đương thời, ngay cả khi đang tràn đầy niềm tin xây dựng cuộc sống mới, Văn Cao đã nhìn ra mặt trái của xã hội, những góc khuất của con người và quan trọng hơn, ông dám công nhiên thể hiện điều ấy trong thơ... Thơ Văn Cao chủ yếu là thơ tự do, hiện đại trong cấu tứ, hình ảnh, từ ngữ. Là người có nhiều đóng góp về thi pháp, cấu trúc, song thơ Văn Cao dường như nổi bật hơn bởi sự hiện diện độc đáo của một cái nhìn. Hơn ai hết thơ gắn chặt với thân phận của ông...
Có điều chắc chắn là trong những thời đoạn thăng trầm nhất của lịch sử, của đời người, Văn Cao luôn quyết liệt bảo vệ cái mới, không bao giờ phản bội lý tưởng, phản bội chính mình. So với những tài danh nghệ thuật cùng thế hệ, Văn Cao dường như luôn trác việt hơn họ, về mọi nhẽ, cả vinh quang lẫn đắng cay, bởi một điều riêng khác: Ông mang phẩm chất và bản mệnh của một thiên tài ! Phó giáo sư, Tiến sỹ Phùng Gia Thế khẳng định.
Nhà lý luận phê bình văn học, Chủ nhiệm Khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội Văn Giá nhận định: Cuộc đời của mỗi người, cũng như của nghệ sỹ là một sinh mệnh, số mệnh cụ thể. Suốt cuộc đời Văn Cao, trong sự vinh quang, lẫn niềm cay đắng, thể hiện trong sáng tác, nhất là thơ của ông. Cùng với một loạt các nhà thơ khác, Văn Cao góp phần thúc đẩy dòng thơ tự do không vần thành công, góp phần mở rộng giới hạn và khả năng thể hiện của thơ Việt... Văn Cao là một mẫu thi nhân tiêu biểu cho mô hình nghệ sỹ tài năng trác tuyệt, bất hoại trong nước và lửa, tự nguyện gắn bó máu thịt với quần chúng, đất nước. Sẽ còn rất lâu, hoặc khó xuất hiện một tài năng chói sáng và cá tính như Văn Cao. Mỗi khi nghĩ về ông, những thế hệ hậu sinh tìm thấy ở ông một điểm tựa tinh thần to lớn và tin cậy...
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những cống hiến của Văn Cao trong lĩnh vực thơ, ca, nghệ thuật./.