Càng đi sâu khám phá vùng đất và con người xứ Thanh càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp và sức sống diệu kỳ của một Việt Nam thu nhỏ - nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi mạch ngầm truyền thống vẫn đang bền bỉ chảy không ngừng.
TTXVN - Hội thảo quốc gia chủ đề “Xứ Thanh - Đa dạng văn hóa và phát triển bền vững” diễn ra ngày 13/11.
Theo báo cáo đề dẫn, Thanh Hóa là vùng đất có điều kiện tự nhiên đặc biệt, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa đáng tự hào. Nơi đây cũng là vùng đất truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường; nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam, gắn liền với quá trình tồn vong, hưng thịnh của quốc gia, dân tộc.
Người xứ Thanh xưa và nay đã viết nên nhiều trang sử hào hùng, được lưu danh bởi các tên tuổi như: Triệu Thị Trinh, Lê Hoàn, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, Lê Lợi... và các vương triều trong lịch sử như: vương triều Lê (tiền Lê, hậu Lê), Hồ, Nguyễn. Vùng đất "địa linh" này còn sản sinh ra những dòng Chúa nổi danh: Chúa Trịnh với 249 năm có mặt trên chính trường Đại Việt với nhiều đóng góp to lớn cho đất nước; chúa Nguyễn bắt đầu từ Nguyễn Hoàng đã có công mở cõi về phương Nam, ổn định đồ bản và giữ vững chủ quyền dân tộc suốt các thế kỷ 17, 18, để các vua Nguyễn tiếp nối, thống nhất đất nước.
Các tham luận tại Hội thảo tập trung vào 3 nhóm chủ đề chính là: Văn hóa truyền thống xứ Thanh với phát triển bền vững; đa dạng văn hóa xứ Thanh với phát triển bền vững; chính sách, nguồn lực, giải pháp thúc đẩy văn hóa xứ Thanh với phát triển bền vững.
Các ý kiến đều thống nhất, càng đi sâu khám phá vùng đất và con người xứ Thanh càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp và sức sống diệu kỳ của một Việt Nam thu nhỏ - nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi mạch ngầm truyền thống vẫn đang bền bỉ chảy không ngừng.
Các đại biểu đều cho rằng, Thanh Hóa đã chú trọng điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa, tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa, nhằm tạo nền tảng để tỉnh trở thành một trong những trung tâm lớn về văn hóa, thể thao của khu vực và cả nước. Đặc biệt Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho Thanh Hóa từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045 phải xây dựng và phát triển tỉnh trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực phía Bắc và cả nước. Do đó, tỉnh cần chú trọng đến yếu tố nguồn lực, đó là văn hóa và con người Thanh Hóa.
Theo đó, mỗi người địa phương cần tiếp thu những giá trị văn hóa tiên tiến của đất nước và nhân loại; đồng thời, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương đã được hun đúc hàng nghìn năm trước những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường và hội nhập. Tỉnh kiên quyết khắc phục, xóa bỏ những mặt hạn chế để xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang khẳng định, Hội thảo có ý nghĩa thiết thực trong công tác tham mưu chính sách về văn hóa đối với địa phương, là hoạt động tuyên truyền hữu ích, phát huy lòng tự hào về đất và người xứ Thanh; tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của vùng đất và con người xứ Thanh trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa mong muốn, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các chuyên gia tiếp tục có những đóng góp, hỗ trợ nhiều hơn, không chỉ bó hẹp trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ để tỉnh bứt phá mạnh mẽ, hoàn thành mục tiêu trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực phía Bắc và cả nước như mục tiêu Nghị quyết 58-NQ/TW 2020, ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra./.
- Từ khóa:
- xứ Thanh
- văn hóa xứ thanh
- Thanh Hóa