Sức khỏe

Long An: Đề nghị xem xét lại mức độ tự chủ cho bệnh viện hạng II

Long An

Tỉnh Long An cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, cho phép thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2020, 2021 theo chi phí khám, chữa bệnh thực tế phát sinh, trong phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế được thanh toán.

Khám chữa bệnh cho bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Long An. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

TTXVN - Ngày 24/10, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa chủ trì Hội nghị về tình hình tự chủ kinh phí và việc cung ứng thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện, Trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo của Sở Y tế cho biết, địa bàn tỉnh có 4 bệnh viện hạng II gồm: Bệnh viện Đa khoa Long An, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cần Giuộc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười và Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa. Thời gian gần đây, số bệnh nhân đến điều trị tại 4 bệnh viện này giảm mạnh. Cụ thể, về khám, chữa bệnh ngoại trú, 9 tháng năm 2022 giảm hơn 486 ngàn lượt (tương đương 42,82%) so với cùng kỳ năm 2019, giảm hơn 297 ngàn lượt (tương đương 31,38%) so với cùng kỳ năm 2020.

Về khám, chữa bệnh nội trú, 9 tháng năm 2022 giảm 34.269 lượt (tương đương 39,69%) so với cùng kỳ năm 2019, giảm 13.983 lượt (tương đương 21,17%) so với cùng kỳ năm 2020.

Do đó nguồn thu của 4 đơn vị này giảm hơn 105 tỷ đồng (tương đương 27,37%) so với cùng kỳ năm 2019 và giảm hơn 108 tỷ đồng (tương đương 27,91%) so với cùng kỳ năm 2020. Ước tính năm 2022, bốn cơ sở khám, chữa bệnh hạng II tại Long An thiếu kinh phí chi thường xuyên hơn 62 tỷ đồng nên không đảm bảo hoạt động.

Theo Sở Y tế Long An, nguyên nhân do dịch COVID-19 (trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát các cơ sở khám, chữa bệnh chuyển đổi công năng, tăng cường nhân lực đi hỗ trợ các đơn vị khác, cán bộ y tế nghỉ việc tăng...). Ngoài ra, các bệnh viện vừa khám, chữa bệnh vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động (ngừng hoạt động các khu khám, chữa bệnh theo yêu cầu, nguồn thu của bệnh viện giảm).

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ảnh hưởng lớn đến việc thu hút người bệnh đến điều trị, bệnh viện phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Các cơ sở y tế tư nhân (bệnh viện, phòng khám tư nhân) thành lập ngày càng nhiều, thu hút bệnh nhân bằng nhiều hình thức (tự chủ về giá, được thu thêm của bệnh nhân bảo hiểm y tế...). Cùng với đó là khó khăn về thiếu nhân lực do y bác sỹ nghỉ việc và nghỉ hưu…

Trước tình hình trên, ngành Y tế Long An kiến nghị tỉnh xem xét, điều chỉnh lại phân loại mức độ tự chủ cho 4 bệnh viện hạng II của tỉnh (chuyển từ tự bảo đảm chi thường xuyên sang tự bảo đảm một phần chi thường xuyên). Ngành Y tế sẽ chủ động đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc, vật tư y tế phục vụ bệnh nhân…

Tỉnh Long An kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, cho phép thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2020, 2021 theo chi phí khám, chữa bệnh thực tế phát sinh, trong phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế được thanh toán.

Tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục kéo dài cơ chế hỗ trợ theo Quyết định số 16/2022/QĐ-TTg ngày 8/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch COVID-19 sang năm 2022 hoặc hướng dẫn xử lý thu không đủ chi do tác động của dịch COVID-19 của các cơ sở y tế công lập năm 2022 để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Bộ Y tế rà soát, điều chỉnh lại giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí; đề xuất tăng phụ cấp cho cán bộ ngành Y tế để đảm bảo cuộc sống và giúp họ yên tâm công tác; ban hành văn bản quy định về việc thực hiện xã hội hóa đặc thù của ngành…/.

Đức Hạnh

Tin liên quan

Xem thêm