Xã hội

Minh Chuyên - người “chép sử” bằng tác phẩm nghệ thuật

Thái Bình

Nhà văn, nhà báo, đạo diễn Minh Chuyên, người có nhiều đóng góp xuất sắc cho nền văn học nghệ thuật và điện ảnh Việt Nam.

Nhà văn, nhà báo, đạo diễn Minh Chuyên, người có nhiều đóng góp xuất sắc cho nền văn học nghệ thuật và điện ảnh Việt Nam đã vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến không mệt mỏi của ông trong hơn nửa thế kỷ qua.

* Người “chép sử” bằng tác phẩm nghệ thuật

Gặp nhà văn, nhà báo, đạo diễn Minh Chuyên trong lúc ông đang tất bật chuẩn bị cho Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, dự kiến tổ chức ngày 25/5, tại Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh Minh Chuyên (thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Trước đó, ông được Chủ tịch nước ký Quyết định số 997/QĐ-CTN ngày 9/10/2024, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Nhà văn, nhà báo, đạo diễn cao cấp Minh Chuyên.
Ảnh: Vũ Quang - TTXVN

Nhà văn Minh Chuyên chia sẻ, từ một sinh viên Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1967, ông nhập ngũ và chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Trong thời gian này, ông vừa cầm bút viết về sự mất mát, hy sinh trong cuộc chiến tranh, vừa cầm súng chiến đấu. Những tác phẩm đầu tay của ông như "Đường lên dốc đỏ", "Sau tiếng súng", "Người chọn cái chết", "Mái tóc", "Ám ảnh chiến tranh" đã khắc họa sâu sắc hiện thực chiến tranh và sự hy sinh của người lính.

Một số hình ảnh trong cuộc đời "vừa cầm súng, vừa cầm bút" của nhà văn, nhà báo Minh Chuyên.
Ảnh: TTXVN phát

Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976, ông về làm phóng viên Báo Thái Bình, sau đó chuyển sang công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam và Hãng phim Hội nhà văn Việt Nam. Những năm tháng này, ông dồn tâm hết huyết viết về đề tài hậu chiến tranh, những nỗi đau và kỷ niệm sâu sắc trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước.

Người chép sử

Với phong cách văn chương giản dị và độc đáo, nhà văn Minh Chuyên đi sâu vào những nhân vật và câu chuyện có thật, những nỗi đau sau chiến tranh. Ông dấn thân vào những đề tài gai góc, với mong muốn làm rõ thân phận và giải tỏa nỗi đau cho những người lính trở về. Các tác phẩm như: "Thủ tục làm người còn sống", "Vào chùa gặp lại”, “Đứa con màu da thú", "Trở lại kiếp người", "Những linh hồn da cam", "Nước mắt thời bình", "Hậu chiến Việt Nam"… của ông đã gây tiếng vang lớn, tác động mạnh mẽ đến xã hội, góp phần vào việc thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa.

Một số tác phẩm của nhà văn Minh Chuyên.
Ảnh: TTXVN phát

Điển hình như tác phẩm “Người lang thang không cô đơn” xuất bản năm 1992, là một truyện ký nổi tiếng, viết về thương binh Nguyễn Đình Thúc. Tác phẩm này được Nhà hát kịch Thái Bình chuyển thể, làm "chấn động" sân khấu kịch Việt Nam và truyền hình toàn quốc thời điểm đó, lấy đi nước mắt của hàng triệu khán giả. Năm 1993, Chính phủ đã thành lập quỹ từ thiện mang tên tác phẩm của ông (Quỹ người không cô đơn); đến năm 1995 đổi thành Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Đến nay quỹ được bạn đọc và nhân dân cả nước ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng.

Nhà văn Minh Chuyên ký tặng sách cho độc giả.
Ảnh: Vũ Quang - TTXVN

Ngoài ra, nhiều tác phẩm của nhà văn Minh Chuyên còn được dịch và lưu giữ tại thư viện Đại học Harvard và thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Một số tác phẩm của ông được đưa vào sách giáo khoa (bộ mới năm 2018) giảng dạy tại các trường học trong cả nước.

Các tác phẩm của nhà văn Minh Chuyên được sử dụng trong sách giáo khoa gồm: truyện ký Vào chùa gặp lại, đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11, tập 2; truyện ký Chuyện ông Hoàng Cầm, vào sách văn bản đọc hiểu Ngữ văn 11; Bút ký Nhà bác học của ruộng đồng, vào sách Tiếng Việt lớp 4 tập 1.
Ảnh: TTXVN phát

Ngày 25/10/2018, nhà văn Minh Chuyên được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập Kỷ lục số 2165/QĐ - KLVN năm 2018, khẳng định là người sáng tác các tác phẩm văn học, điện ảnh, truyền hình về hậu chiến tranh ở Việt Nam nhiều nhất. Bốn năm sau, ngày 4/7/2022, Tổ chức Kỷ lục châu Á chứng nhận nhà văn Minh Chuyên đạt kỷ lục Người có tác phẩm văn học, điện ảnh về đề tài hậu chiến tranh nhiều nhất châu Á.

* “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống

Gần 80 tuổi đời và trên 50 năm cầm súng, cầm bút, viết báo, sáng tác văn học nghệ thuật, nhà văn, nhà báo, đạo diễn Minh Chuyên là chủ nhân của một gia tài đồ sộ các tác phẩm về đề tài chiến tranh và hậu chiến tranh.

Nhà văn Minh Chuyên giới thiệu về các tác phẩm do ông viết tại Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh Minh Chuyên
Ảnh: Vũ Quang - TTXVN

Để giúp lưu giữ và gửi “thông điệp lịch sử” cho thế hệ mai sau biết được hậu quả tàn khốc của cuộc chiến tranh và giáo dục truyền thống cách mạng, năm 2018, được sự giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình, Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh Minh Chuyên được xây dựng. Công trình xây dựng trên diện tích 1.550m2 gồm: Đền thờ Liệt sỹ, hồ sinh thái, dãy núi Trường Sơn (mô phỏng) và Tòa nhà lưu giữ tác phẩm.

Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh Minh Chuyên tại thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Ảnh: Vũ Quang - TTXVN

Bảo tàng hiện trưng bày trên 1.000 tư liệu, tác phẩm văn học nghệ thuật và trên 200 tập phim tài liệu phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam, do nhà văn Minh Chuyên đạo diễn và viết kịch bản, giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn giá trị của hòa bình.

Đoàn cán bộ và sinh viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tham quan Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh Minh Chuyên.
Ảnh: Vũ Quang - TTXVN

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trong dịp thăm Bảo tàng năm 2024 đã bày tỏ sự tự hào về nhà văn, nhà báo Minh Chuyên và khẳng định, Bảo tàng có ý nghĩa lớn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, là “địa chỉ đỏ” để mỗi thế hệ, thanh niên học tập, trau dồi kiến thức lịch sử.

Bảo tàng Tác phẩm hậu Chiến tranh Minh Chuyên.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ, nhà văn Lê Bích Hồng nhận xét: “Người lao động hết mình bằng cả, trí tuệ và lương tâm, chấp nhận mọi thiệt thòi chỉ để trở thành hữu ích cho đời và cho đồng loại đó là người thực tài, chân chính. Nhà văn, nhà báo, đạo diễn Minh Chuyên là con người như thế!".

Giáo sư Nguyễn Công Nghiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính khâm phục tài năng của nhà văn Minh Chuyên.
Ảnh: TTXVN phát

Còn Giáo sư Nguyễn Công Nghiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, tác giả tập Bút ký “Minh Chuyên - Cây bút hậu chiến” nhận xét: Điều làm nên tên tuổi Minh Chuyên không chỉ ở số lượng tác phẩm, mà còn ở giá trị của chúng và đặc biệt là ở cách thức ông tạo ra chúng. Mỗi tác phẩm của ông là một kỳ công, ông trăn trở, tìm tòi, lao động không biết mệt mỏi, dấn thân bằng sự đam mê và sức sáng tạo bên bì, phát hiện và theo đuổi nó. 

Một số giải thưởng cho đóng góp xuất sắc trong văn học nghệ thuật và điện ảnh Việt Nam của nhà văn, nhà báo Minh Chuyên.
Ảnh: TTXVN phát

Với những đóng góp và dâng hiến sức lực, trí tuệ vào ngòi bút và lương tâm mình cho những nỗi đau sau chiến tranh, nhà văn, nhà báo, đạo diễn Minh Chuyên đã được tặng 62 giải thưởng quốc gia và quốc tế về văn học nghệ thuật, điện ảnh, truyền hình, điển hình như: Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017; Giải Quốc tế "Cúp Vàng" tác phẩm “Cha con người lính" tại Liên hoan phim Bình Nhưỡng, Triều Tiên năm 2006; Bằng kỷ lục châu Á về sáng tác văn học nghệ thuật tại Ấn Độ năm 2022; Giải thưởng Hội Văn học Việt Nam cho tác phẩm “Di họa chiến tranh” năm 1998…/.

Vũ Quang

Tin liên quan

Xem thêm