Mô hình này giúp kết nối, giới thiệu việc làm và tư vấn chính sách, pháp luật cho người lao động.
Nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp tuyển dụng và người lao động gặp gỡ, tìm hiểu nhu cầu công việc trực tiếp, hiệu quả, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) duy trì thường xuyên các phiên giao dịch việc làm dưới hình thức “Cà phê việc làm”. Đây được xem là cầu nối để doanh nghiệp, người lao động có thể gặp nhau, tìm hiểu, đưa ra lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình.
Mô hình “Cà phê việc làm” triển khai từ đầu năm 2022 đến nay. Định kỳ mỗi tháng, phiên giao dịch được tổ chức hai lần tại Trụ sở Trung tâm Dịch vụ việc làm (Phường 3, thành phố Vĩnh Long) và Quán cà phê S.T (Khu Công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ). Phiên giao dịch được thông báo rộng rãi đến doanh nghiệm và người lao động tham gia. Đến nay, phiên giao dịch “Cà phê việc làm” trở thành điểm đến quen thuộc của doanh nghiệp và người lao động.
Tham gia phiên giao dịch “Cà phê việc làm”, người lao động được tư vấn chính sách, pháp luật về lao động, việc làm và bảo hiểm thất nghiệp; tư vấn kỹ năng tìm việc làm, học nghề; lựa chọn công việc phù hợp. Đặc biệt, tại đây, người có nhu cầu tìm việc làm sẽ trao đổi cụ thể với nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm, kết nối trực tiếp đơn vị tuyển dụng dể tìm hiểu sâu hơn, trình bày đầy đủ về năng lực, nhu cầu công việc có thể lựa chọn ngành nghề phù hợp. Doanh nghiệp, khi tham gia phiên giao dịch việc làm sẽ có cơ hội tuyển dụng nguồn nhân lực đúng tiêu chí lựa chọn.
Trở về quê thị xã Bình Minh sau thời gian dài lao động ở Đồng Nai, anh Lâm Phước Khanh và vợ được bạn bè giới thiệu đến tham gia phiên giao dịch “Cà phê việc làm”. Khi đến đây, anh và vợ được tư vấn, giới thiệu để tìm hiểu về việc lắp ráp phụ tùng ô tô. Qua tư vấn của các nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm, anh được kết nối để trao đổi trực tiếp với đơn vị tuyển dụng, hiểu rõ về môi trường làm việc sắp tới, điều khoản quy định của công ty cũng như chế độ, đãi ngộ cho công nhân. Nhận thấy công việc được giới thiệu phù hợp với năng lực và điều kiện của gia đình, anh quyết định chọn công việc này.
Anh Lâm Phước Khanh cho biết, tìm việc thông qua hình thức này, anh thấy rất mới mẻ. Không khí nói chuyện cởi mở, anh dễ trao đổi, trình bày mong muốn để được giới thiệu công việc phù hợp. Hai vợ chồng quyết định chọn công việc vừa được giới thiệu để có thể làm ở gần nhà.
Chị Phan Thanh Thủy, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình lần đầu đến tìm việc cho con gái nên khá bỡ ngỡ. Tuy nhiên, chị đã có buổi nói chuyện suôn sẻ và thu thập nhiều thông tin từ nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm, đơn vị tư vấn xuất khẩu lao động. Chị cảm thấy yên tâm hơn khi hiểu rõ công việc vừa lựa chọn để con gái đăng ký tham gia xuất khẩu lao động.
Là một trong những đơn vị gắn kết với các phiên giao dịch việc làm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và phát triển nhân lực miền Tây Mitaco có cơ hội tìm hiểu nhu cầu, năng lực của người lao động để giới thiệu công việc tham gia xuất khẩu lao động. Anh Huỳnh Thanh Quang, nhân viên tư vấn tuyển sinh Công ty cho biết, mô hình "Cà phê việc làm" tạo sự gần gũi, là cầu nối để doanh nghiệp có thể hiểu hơn về người lao động. Buổi nói chuyển cởi mở sẽ tạo điều kiện cho người lao động tự tin thể hiện trình độ, năng lực, nhu cầu của bản thân, từ đó Vông ty sẽ giới thiệu những đơn tuyển giúp họ lựa chọn, đăng ký tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp.
Đến với mô hình "Cà phê việc làm", bên cạnh được kết nối, giới thiệu việc làm, người lao động sẽ được tư vấn chính sách, pháp luật về lao động, việc làm và bảo hiểm thất nghiệp, giới thiệu học nghề miễn phí. Thông qua các hoạt động, người lao động hiểu rõ hơn về chính sách cũng như quyền lợi của mình khi tham gia vào thị trường lao động.
Bà Liêu Kim Thủy, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Truyền thông đào tạo cuộc sống mới cho biết, thực tế tiếp xúc cho thấy nhiều lao động chưa nắm được các quy định, quyền lợi của họ. Điển hình như sau một thời gian tham gia bảo hiểm và hưởng trợ cấp thất nghiệp, họ chưa có nắm rõ quyền lợi về học nghề miễn phí nên còn ngần ngại, chưa tham gia đầy đủ. Thông qua phiên giao dịch, đơn vị tiếp cận và giải thích để họ hiểu, từ đó tham gia học nghề, tích lũy kiến thức, kỹ năng chuẩn bị hành trang cho công việc sắp tới.
Năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long tổ chức 27 phiên giao dịch việc làm thông qua nhiều hình thức như trực tiếp, trực tuyến, Cà phê việc làm. Hơn 2.800 người đã tìm được việc làm thông qua kết nối của Trung tâm, đạt trên 114% kế hoạch năm.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long Lê Thị Huế Nhi cho biết, năm 2022, Trung tâm mạnh dạn tổ chức phiên giao dịch việc làm theo hình thức “Cà phê việc làm”. Để thực hiện hiệu quả, trước mỗi phiên giao dịch, Trung tâm đã rà soát lại nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng lao động, thông tin rộng rãi cho người tuyển dụng lao động, người lao động nắm bắt, tham gia phiên giao dịch việc làm. Song song đó, vai trò của nhân viên tư vấn rất quan trọng. Do đó, các nhân viên của Trung tâm luôn phát huy vai trò cầu nối, kiên nhẫn ngồi cùng người lao động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kết nối để họ tìm được công việc phù hợp, doanh nghiệp tìm được nguồn nhân lực chất lượng.
Theo đánh giá, các phiên giao dịch việc làm gắn dưới hình thức “Cà phê việc làm” mang lại hiệu quả tích cực. Sau mỗi kỳ tổ chức, tỷ lệ người lao động tham gia học nghề và tìm được việc làm tăng lên. Song song đó, người lao động được cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích hơn qua buổi gặp gỡ, tư vấn. "Trong năm 2023, Trung tâm tiếp tục duy trì mô hình này, đồng thời tìm mô hình mới, hiệu quả cao trong việc kết nối, giới thiệu việc làm, hỗ trợ tư vấn cho người lao động về chính sách lao động, việc làm, học nghề, chính sách bảo hiểm thất nghiệp", bà Lê Thị Huế Nhi cho biết thêm./.