Hầu hết đều xa quê nên công nhân, người lao động xem phòng trọ là nhà, lối xóm là người thân, sống thân thiện, gần gũi.
TTXVN - Những ngày cuối năm không khí Tết tràn ngập phố phường; người người, nhà nhà mua sắp, dọp dẹp, trang trí nhà cửa để chào đón năm mới Tết Quý Mão 2023. Không khí Tết cũng lan tỏa đến từng căn phòng, hộ gia đình tại các khu nhà trọ, xóm trọ, tổ công nhân tự quản, tuy nhiên những người lao động nơi đây đón Tết với một sắc thái riêng biệt của những người xa nhà đón Tết giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong không khí vui đón Tết nguyên đán, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 2 bài viết ghi nhận những tình cảm, sự sẻ chia với những người lao động đón Tết xa quê ở các xóm trọ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bài 1: Nghĩa tình nơi đất khách
Không có điều kiện về quê, nhiều công nhân đã chọn ở lại xóm trọ đón Tết. Một nhành mai, cành đào hay nồi thịt kho trứng cùng chia sẻ nhau trong những ngày này làm nghĩa tình xóm trọ thêm ấm áp.
Ấm lòng bên mâm cỗ Tết
Trong những ngày này, khu lưu trú số 35/6A Nguyễn Văn Luông, phường 10, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh trở nên rộng thoáng hơn hẳn. Bởi chủ phòng trọ cùng những người thuê trọ đã thu dọn gọn gàng, sạch sẽ; một số người lao động thuê trọ khác cũng đã khóa trái cửa về quê đón Tết.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, chủ khu lưu trú số 35/6A, số người người lao động ở lại thành phố không nhiều, chủ yếu người miền Tây. Song, người ở lại thành phố đón Tết cũng có đủ mọi thành phần từ trẻ con, thanh niên đến các bậc phụ huynh và cả ông bà. Nhiều người ở lại xóm trọ đón Tết không chỉ do đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn không thể về quê mà còn có người không có nhà, hoặc không còn người thân ở quê nhà.
“Ở xóm trọ này phần nhiều là công nhân, người lao động xa quê nên họ khăng khít nhau lắm. Họ xem phòng trọ là nhà, lối xóm là người thân nên thân thiện, gần gũi. Đồng cảnh ngộ nên họ cũng dễ cảm thông, chia sẻ, nhất là vào dịp Tết cổ truyền để nhà thêm ấm, căn phòng thêm vui…”, chị Hồng chia sẻ.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thu Thắm, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Bình Tiên, quê ở Cà Mau trọ ở khu lưu trú này hơn 4 năm qua cho biết, những năm gần đây ít có dịp về quê đón Tết bởi dịch bệnh, tiền bạc eo hẹp. Kinh nghiệm nhiều năm ở trọ chị Thắm cho biết, ngày Tết cúng kiến không nhiều, nhưng trong mỗi nhà đều có bánh mứt hoặc một vài món hương vị Tết để tiếp khách đến thăm.
“Tết ở xóm trọ này vui lắm, sáng ăn ở nhà này đến trưa; chiều sang nhà khác ăn đến tối. Mấy chị em trò chuyện rôm rã hoặc gọi điện thoại thăm hỏi, chúc Tết gia đình, người thân, bè bạn. Cánh đàn ông thì cũng tụ tập đôi ba ly rượu, bia đầu xuân; còn mấy đứa nhỏ cũng có dịp chơi đùa với nhau, khoe quần áo mới, tiền mừng tuổi…”, chị Thắm chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ, gia đình vợ chồng cùng hai con anh Lê Quang Thế công nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên cây xanh Thành phố Hồ Chí Minh năm nay cũng không về quê Hà Tĩnh đón Tết. Do chi phí về quê tốn kém nên cả nhà quyết định đón Tết tại khu trọ; số tiền tàu, xe tiết kiệm gửi về chúc Tết ông bà.
“Tết không về quê nhà cũng buồn; con nhớ cha mẹ, ông bà nhớ cháu. Nhưng đành chịu, khi nào có điều kiện thuận tiện cả nhà cùng về; lúc này hay lúc khác cũng được. Tết đến cả nhà gặp gỡ, chúc nhau qua chiếc điện thoại có hình. Tính ra, việc không về cũng tiện cả đôi đường, nhất là thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn…”, anh Thế chia sẻ.
Anh Thế cho biết, do đặc thù công việc những ngày cận Tết rất nhiều, nhất là ngày cuối cùng của năm cũ và bước sang năm mới. Tuy nhiên, những ngày đầu năm mới công việc ít hơn, gia đình được quây quần bên nhau hay đưa vợ con đến các điểm vui chơi, tham quan giải trí. Rảnh rỗi, anh em trong khu trọ tụ tập nhà này, nhà nọ ăn uống, hàn huyên kể chuyện vui buồn trong công việc; chuyên gia đình, chuyện Tết ở quê nhà…
Tương tự, vợ chồng chị Nguyễn Thị Phú, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Vương, ở tại khu nhà trọ phường Thạnh Xuân Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẻ chia nhiều khó khăn khiến hơn 4 năm nay cả nhà không về quê Hà Nam đón Tết.
Chị Phú cho biết, cũng có buồn nhưng công việc rồi con cái cứ níu kéo khiến không còn thời gian để nhớ về gia đình. Hơn nữa, trong xóm trọ cũng có nhiều anh chị em có hoàn cảnh tương tự, nên mấy ngày Tết cứ quấn quýt bên nhau, thăm hỏi, trò chuyện suốt vui lắm... “Những ngày trước Tết, mấy chị em trong xóm trọ có gì tặng nhau ấy, khi thì hộp bánh, kẹo, lúc trái cây hay mấy lon nước ngọt… Ngày Tết, mượn khoảng sân chung của chủ nhà trọ mỗi người một món góp gió thành bão, làm chung mâm cỗ ngày Tết đủ các món như cháo gà, gỏi, bánh tét, bánh chưng, tôm khô, củ kiệu hột vị bắp, cải thảo cùng các loại mứt, hạt dưa…”, chị Phú chia sẻ.
Tết năm nào cũng vậy, không ít công nhân, người lao động phải xa nhà, xa quê do chi phí tiền tàu xe quá lớn so với đời sống kinh tế khó khăn hiện tại. Việc ở lại Thành phố đón Tết không chỉ giúp họ tiết kiệm một khoảng tiền hay đôi lúc tranh thủ làm thêm ngày Tết để trang trải thêm cuộc sống.
“Càng khó khăn, con người ta càng đoàn kết, yêu thương lẫn nhau. Người lao động nghèo không có nhiều về vật chất nhưng sẵn sàng san sẻ, giúp đỡ nhau. Cái họ có nhiều nhất đó là tình cảm, tình người; là đời sống tinh thần của những người xa quê mưu sinh đã góp phần làm cho mâm cỗ thêm đầy, những ngày Tết Việt càng thêm ấm áp”, bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, chủ Khu lưu trú số 35/6A Nguyễn Văn Luông chia sẻ.
Vơi đi nỗi nhớ quê nhà
Ngày Tết xa nhà, xa người thân là điều không ai mong muốn. Nhưng vì cuộc sống, mưu sinh, lập nghiệp nhiều công nhân, người lao động đành chấp nhận rời xa người thân, xa quê hương dẫu vẫn biết Tết đến, Xuân về gia đình đoàn viên, sum họp. Chia sẻ với những hoàn cảnh đó, nhiều tổ chức hội, đoàn thể, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và cả chủ các khu lưu trú, nhà trọ đã dành tình cảm tổ chức các chương trình hỗ trợ cụ thể, thiết thực giúp cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bởi ít nhiều chính họ cũng có những đóng góp nhất định cho sự phát triển chung của Thành phố.
Ông Nguyễn Thành Tâm, chủ khu nhà trọ gồm 152 phòng ở phường Thạnh Lộc, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cứ mỗi dịp Tết đến gia đình lại chi hơn trăm triệu đồng để mua quà tặng, tổ chức tiệc tất niên cho những người ở trọ. Những ngày này, gia đình ông cùng các chị em phụ trách nấu nướng bàn bạc, lên thực đơn bánh chưng, gà, nem chả lụa, bánh hỏi cho khoảng hơn 400 người (40 bàn tiệc) mà chủ yếu là các cặp vợ chồng, gia đình công nhân, lao động.
Người thì thu dọn, trang trí; người chuẩn bị bàn ghế cho bữa tiệc. Tập trung đông nhất vẫn là khâu bếp núc làm cho không khí Tết thêm rộn ràng, vui vẻ. Ông Tâm cũng không quên tặng quà, chúc Tết, thăm hỏi động viên công nhân, người lao động sau một năm miệt mài với công việc.
Ông Tâm cho rằng, việc tổ chức buổi tiệc chu đáo một phần là để chia sẻ với người lao động, một phần là để cám ơn họ, bởi chính họ mang lại nguồn thu nhâp chính đáng cho gia đình. Tiệc tất niên hay tân niên sắp tới còn giúp cho người xa nhà quê vơi đi nỗi nhớ nhà, gắn kết giữa mọi người bởi tình làng nghĩa xóm, bà con xa không bằng láng giềng gần…
Tết năm nay, ông Trần Anh Kiệt chủ khu nhà trọ hơn 40 phòng cho công nhân lao động ở địa chỉ 351/11A đường Lý Chiêu Hoàng, phường 10, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tặng quà gồm: gạo, đường , nước mắm, nước tương và lì xì Tết cho người lao động. Ngoài ra, ông còn tổ chức buổi tiệc tất niên để cám ơn người ở trọ, tạo điều kiện để mọi người giao lưu, vui chơi, giải trí nhân dịp năm mới.
Chia sẻ với công nhân, người lao động, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ông Kiệt còn đề xuất các tổ chức đoàn thể, đơn vị tài trợ trao tặng thêm những phần quà; vận động các đối tác, người thân, đại diện khu phố, tổ dân phố cùng tham gia tiệc tất niên cuối năm…
Tương tự, khu nhà trọ của bà Nguyễn Thị Huệ ở 155/23 đường Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh có 125 phòng với hơn 200 người thuê với phần nhiều là công nhân làm việc tại các doanh nghiệp trong quận. Năm nay tuy nhiều khó khăn, nhưng bà Huệ vẫn trao tặng phần quà Tết trị giá khoảng 300.000 đồng/phần cho mỗi phòng trọ; tiếp tục tổ chức tiệc tất niên nhằm tạo chút không khí ấm cúng cho lao động xa quê.
Theo bà Huệ, hoàn cảnh của nhiều người lao động, nhất là công nhân ngoại tỉnh hiện gặp khó khăn rất nhiều bởi vừa trải qua đợt dịch CVID-19 và mới đây nhiều người mất việc, bị giảm giờ làm. Do vậy, ngoài việc chăm lo Tết bà Huệ còn thường xuyên phối hợp với các đoàn thể quận tổ chức các hoạt động chăm lo những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nữ công nhân đang mang thai, nuôi con nhỏ, mắc bệnh hiểm nghèo…
Nhiều năm liền ở khu nhà trọ phường Thạnh Xuân, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trương Văn Ngọc cho biết, chủ nhà trọ năm nào cũng vậy, không chỉ tặng những phần quà Tết mà còn tổ chức tất niên chu đáo để mọi người được vui vẻ, gắn kết trong những ngày Tết. Sự quan tâm của chủ nhà trọ khiến nhiều công nhân lao động vơi đi nỗi nhớ nhà, xa quê; khiến cho tình cảm lối xóm càng thêm khăng khít,
Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Huỳnh Đức, quê ở Hậu Giang cũng chia sẻ mỗi người, mỗi công việc khác nhau, hiếm khi có dịp giao lưu, trao đổi nên tất niên vào dịp Tết vừa vui, vừa có nhiều ý nghĩa, đồng thời giúp anh chị em công nhân đỡ nhớ nhà. “Đó cũng là tình cảm, tình người nơi đất khách, giúp người xa quê cảm giác như đang ở nhà. Thành phố đã và đang là quê hương thứ hai của những người công nhân lao động xa xứ, mưu sinh”, anh Đức khẳng định.
(Bài 2: Tết đến mọi người)
- Từ khóa:
- Tết
- Thành phố Hồ Chí Minh