Toàn tỉnh hiện có 75,9% gia đình học tập; 74,6% dòng họ học tập; 81,7% cộng đồng học tập (cấp thôn, xóm, tổ dân phố).
TTXVN - Xây dựng Nam Định trở thành xã hội học tập là mục tiêu được thống nhất tại Hội nghị hưởng ứng phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030". Hội nghị do UBND tỉnh Nam Định tổ chức ngày 19/10.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Lê Đoài đề nghị, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông trong công tác quản trị đánh giá kết quả thực hiện mô hình "Công dân học tập". Hàng năm Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập các cấp báo cáo kết quả thực hiện mô hình qua Hội Khuyến học tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo lãnh đạo tỉnh.
Cấp ủy Đảng, chính quyền, các tập thể và cá nhân tích cực quan tâm, dành nguồn lực, hỗ trợ công tác khuyến học và xây dựng xã hội học tập theo tinh thần Kết luận 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Những năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài của Nam Định đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, phát triển toàn diện và chuyển trọng tâm sang xây dựng các mô hình học tập. Hàng năm, lớp học chuyên đề tại các Trung tâm học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn đã thu hút hàng chục nghìn lượt người tham gia tiếp cận, thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng, nâng cao kiến thức hiểu biết về chính sách, pháp luật, kỹ năng lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hiếu học. Từ đây, các Trung tâm học tập cộng đồng phát triển bền vững; 51,5% Trung tâm hoạt động khá và tốt vào năm 2017, đến nay đã được nâng lên là 97,3%.
Toàn tỉnh hiện có 75,9% gia đình học tập; 74,6% dòng họ học tập; 81,7% cộng đồng học tập (cấp thôn, xóm, tổ dân phố); đạt 95,6% đơn vị học tập (cấp xã quản lý); cộng đồng học tập cấp xã đạt 91%.
Ông Nguyễn Phú Hậu, Chủ tịch Hội Khuyến học cho biết, Hội phấn đấu đến năm 2027 toàn tỉnh có 60% người trong độ tuổi lao động của các mô hình học tập đạt danh hiệu công dân học tập. Để đạt mục tiêu, Hội chú trọng công tác tuyên truyền và xây dựng các mô hình học tập; đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội Khuyến học các cấp; coi trọng công tác thi đua, khen thưởng, động viên các điển hình trong phong trào học tập thường xuyên, tự học thành tài...
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Thuận khẳng định, ngành sẽ chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở và phổ cập giáo dục Trung học Phổ thông; tổ chức các khoá đào tạo, hội thảo và lớp học dành cho người trưởng thành, công nhân và người lao động; nâng cao chất lượng các Trung tâm học tập cộng đồng. Bên cạnh đó, toàn ngành giáo dục tích cực tham gia, phấn đấu trở thành nòng cốt trong phong trào "Thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời", tích cực tự học, tự bồi dưỡng theo các tiêu chí công dân học tập...
Tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập tỉnh tập huấn triển khai phần mềm bộ công cụ đánh giá, công nhận danh hiệu "Công dân học tập" giai đoạn 2021-2030.
Đây là sản phẩm do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và Trường Đại học Mở Hà Nội phối hợp thực hiện. Bộ công cụ được sử dụng trong việc triển khai công tác thu thập, minh chứng, đánh giá, cho điểm, tổng hợp, báo cáo... theo tiêu chí đánh giá về năng lực, các kỹ năng cơ bản và phẩm chất cần có đối với mỗi "Công dân học tập". Ứng dụng bộ công cụ nhằm đạt mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời và xây dựng mô hình "Công dân học tập", góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bộ công cụ hỗ trợ tối đa việc tự động hóa, áp dụng công nghệ giúp giảm công sức trong quá trình thu thập thông tin, đánh giá các tiêu chí công dân học tập, đơn vị học tập./.