Xã hội

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản

Hà Nội

Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, nhận thức pháp luật của doanh nghiệp nhằm hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tính đến tháng 9/2022, trên địa bàn có khoảng 201 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng; trong đó, có 77 bãi có thủ tục hoạt động hoặc phù hợp tiêu chí và 124 bãi chưa đủ thủ tục hoạt động hoặc không phù hợp tiêu chí. Như vậy, số lượng các bến bãi chưa đủ thủ tục hoạt động còn rất lớn và ít có cải thiện so với khảo sát năm 2020.

Đáng chú ý, theo đánh giá và chất vấn của Đoàn Giám sát HĐND thành phố Hà Nội tại kỳ họp mới đây, tình hình quản lý bến bãi và khai thác khoáng sản ở các địa phương vẫn không được cải thiện nhiều, khiến cử tri và nhân dân bức xúc. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương với các lực lượng chức năng từ khi phát hiện vi phạm đến kiểm tra, xử lý còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ. Các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã chưa vào cuộc quyết liệt và còn có tư tưởng "khoán trắng" nhiệm vụ quản lý cho ngành Công an.

Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cần tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục có công văn gửi các sở, ngành liên quan và địa phương tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản. Theo đó, thành phố yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, nhận thức pháp luật của doanh nghiệp nhằm hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, đặc biệt là hành vi khai thác không đúng nội dung giấy phép theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự, như: Khai thác vượt công suất, vượt trữ lượng, vượt ngoài ranh giới giấy phép khai thác khoáng sản…

Cùng với đó, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã khẩn trương, nghiêm túc thực hiện nội dung chỉ đạo, hướng dẫn tại các văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội về đẩy mạnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát, kiểm tra việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản; thẩm định và phê duyệt trữ lượng khoáng sản; việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, việc xử lý vi phạm và khắc phục tồn tại, vi phạm. Sở phối hợp kiểm tra, rà soát việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, việc thực hiện các nội dung trong giấy phép khai thác khoáng sản, việc quản lý, kiểm soát sản lượng khoáng sản đã khai thác và mục đích tiêu thụ, sử dụng… Sở tổng kết, đánh giá thực tiễn quản lý, từ đó đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền về nội dung sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và xử lý vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản. Sở rà soát, có ý kiến bổ sung đối với dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản về trữ lượng khoáng sản phát sinh trong thực tế, trữ lượng còn lại của mỏ nhằm thu hồi tối đa tài nguyên, tăng hiệu quả, tiết kiệm chi phí, nguồn lực đầu tư và tăng thu ngân sách nhà nước bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Thời gian qua, mặc dù thành phố Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, tuy nhiên, từ thực tiễn báo cáo của các quận, huyện cho thấy, công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông còn nhiều hạn chế, thiếu hiệu quả, vẫn còn tồn tại tình trạng khai thác trái phép cát chưa được xử lý dứt điểm. Trong khi đó, lực lượng quản lý lại yếu, mỏng, phương tiện ít, các đối tượng cố tình vi phạm hoạt động ngày càng tinh vi và vi phạm thường diễn ra vào đêm tối, rất khó phát hiện và xử lý…/.

Minh Nghĩa

Tin liên quan

Xem thêm