Hội đồng sẽ tổ chức nghiên cứu “từ sớm, từ xa” các dự án luật khó, phức tạp để nâng cao hơn nữa công tác nghiên cứu, tư vấn và tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
TTXVN - Chiều 22/12, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì Phiên họp thứ 8 của Hội đồng, tiến hành tổng kết công tác năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024 và sơ kết hoạt động triển khai Đề tài cấp Bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”.
Báo cáo tại phiên họp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học nêu rõ: Năm 2023 là năm giữa của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV với nhiều đổi mới về tổ chức, hoạt động và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Những kết quả của Quốc hội trong năm qua có phần đóng góp thiết thực từ hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ quan Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và vai trò, trách nhiệm của Hội đồng.
Hội đồng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện đầy đủ các phiên họp theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra, đồng thời tổ chức linh hoạt, đa dạng các hoạt động và đóng góp thiết thực vào các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Một số thành viên Hội đồng đã tham gia làm Chủ nhiệm đề tài năm 2024 và thành viên của các Ban Chủ nhiệm đề tài; tham gia nghiệm thu, phản biện; góp ý để sửa đổi, bổ sung các dự án luật trình Quốc hội trong năm 2023…
Năm 2024, Hội đồng sẽ tiếp tục triển khai tốt các nhiệm vụ, tổ chức nghiên cứu “từ sớm, từ xa” các dự án luật khó, phức tạp, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau để nâng cao hơn nữa công tác nghiên cứu, tư vấn và tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức đầy đủ các phiên họp theo đúng Chương trình công tác; tiếp tục cải tiến, đổi mới, tổ chức các hình thức hoạt động phù hợp, linh hoạt.
Về Đề tài cấp Bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển cho biết, Viện Nghiên cứu lập pháp và Ban Chủ nhiệm đề tài, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp đã chủ động, cố gắng tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu của năm 2023 theo kế hoạch đã đề ra. Trong năm tới, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tiếp tục chủ động đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan được phân công để hoàn thành các nội dung công việc; hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu sản phẩm giai đoạn năm 2024.
Qua thảo luận, các đại biểu nhấn mạnh, hoạt động của Hội đồng Khoa học đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng và ngày càng đi vào nền nếp, đem lại hiệu quả thiết thực. Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong năm 2024, các đại biểu đề nghị, Hội đồng cần tiếp tục tổ chức các hình thức hoạt động phù hợp, linh hoạt để nâng cao hiệu quả trong công tác nghiên cứu, tham mưu đóng góp ý kiến về mặt khoa học đối với những vấn đề khó, phức tạp; thành lập các tiểu ban nghiên cứu chuyên sâu theo từng nhóm lĩnh vực để thảo luận trước về những vấn đề nổi cộm trong các dự án luật, phục vụ tốt hơn phiên họp của Hội đồng cũng như công tác tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Hội đồng cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghiên cứu các đề tài, triển khai Nghị quyết số 27/NQ-TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó tập trung vào đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Hội đồng cần tập trung hơn nữa vào những hoạt động song hành cùng Quốc hội, phục vụ đại biểu Quốc hội, tổ chức các nhóm nghiên cứu chuyên sâu đồng thời, huy động các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng tham gia vào quá trình nghiên cứu, hoàn thiện đề tài cấp Bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”./.