Từ tháng 9/2023 đến hết tháng 7/2024, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện dự án ý nghĩa này, với tổng số vốn viện trợ hơn 4,9 tỷ đồng.
Ngày 20/7, tại thành phố Huế, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội nghị tổng kết dự án "Phục hồi sinh kế sau COVID-19 cho nữ nông dân tại các xã đặc biệt khó khăn và các xã khó khăn". Hội nghị do Đại sứ quán New Zealand tài trợ thông qua Tổ chức Stichting Oxfam Novib (Hà Lan).
Bà Caroline Rachel Beresford, Đại sứ New Zealand cho biết, Chính phủ New Zealand cam kết hỗ trợ Việt Nam phục hồi sau tác động của đại dịch COVID-19, tập trung vào phục hồi kinh tế cho các cộng đồng dễ bị tổn thương, nhất ở các vùng nông thôn bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong số những nữ nông dân được thụ hưởng từ dự án, nhiều người bị ảnh hưởng do mất mùa, thu nhập giảm, sức khỏe sa sút và gia tăng gánh nặng chăm sóc cho các thành viên gia đình.
“Tôi tin rằng việc nâng cao năng lực và hỗ trợ tài chính kịp thời đã giúp những người nông dân phục hồi, cải thiện các hoạt động sinh kế của họ. Với sự tham gia, quan tâm của chính quyền địa phương cùng các đối tác và chính người nông dân, tôi tin chắc rằng dự án sẽ được phát huy hiệu quả bền vững” - bà Caroline Beresford nhấn mạnh.
Từ tháng 9/2023 đến hết tháng 7/2024, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện dự án ý nghĩa này, với tổng số vốn viện trợ hơn 4,9 tỷ đồng.
Qua triển khai 30 lớp tập huấn cho hơn 1.500 nữ nông dân, dự án lựa chọn 1.000 nữ nông dân trên địa bàn 6 xã khó khăn, đặc biệt khó khăn: Phú Gia, Phú Diên (thuộc huyện Phú Vang), Giang Hải, Vinh Hưng (thuộc huyện Phú Lộc) và Phong Chương, Điền Hương (thuộc huyện Phong Điền) giúp phát triển kinh tế theo mô hình phù hợp năng lực, điều kiện của bản thân. Trong đó, có hơn 200 phụ nữ là người khuyết tật được trao cơ hội cải thiện sinh kế.
Mỗi người tự lập kế hoạch, lựa chọn mô hình sinh kế cho riêng mình. Từ đó, dự án hỗ trợ nguồn vốn 3,2 triệu đồng/người và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho các nữ nông dân. Khoản hỗ trợ tài chính được cung cấp theo kế hoạch phục hồi sinh kế của hộ gia đình đã được dự án thẩm định về tính khả thi khi triển khai. Tất cả quá trình đều có sự tư vấn, đồng hành của chuyên gia và đặt người dân vào vị trí chủ thể nhằm đảm bảo tính hiệu quả của phục hồi sinh kế khi dự án vận hành.
Tại hội nghị, đại diện các bên liên quan cùng lãnh đạo các địa phương có người dân được thụ hưởng đã đánh giá hiệu quả và rút ra bài học kinh nghiệm từ dự án.
Theo đó, sau khoảng hai năm triển khai, dự án đã đạt được mục tiêu đề ra. Các mô hình đều phát triển tốt, giúp nhiều hộ dân khắc phục khó khăn, cải thiện sinh kế: Không chỉ khắc phục được ảnh hưởng sau đại dịch COVID-19, còn có khả năng thích ứng với những khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.
Kinh nghiệm triển khai chứng minh tầm quan trọng của việc thiết kế các hoạt động hỗ trợ dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, đồng thời tăng cường sự tham gia tích cực của họ vào tất cả các hoạt động để đảm bảo lợi ích thiết thực, lâu dài. Ngoài ra, sự phối hợp kịp thời giữa các tổ chức địa phương, chính quyền các cấp và tổ chức cứu trợ trong nước là điều cần thiết để nâng cao năng lực thích ứng với khủng hoảng của người dân.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Thị Hiền cho rằng, điểm đặc biệt của dự án là thiết lập đường dây nóng, tạo cơ chế phản hồi hai chiều công khai, minh bạch, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, gửi góp ý, thắc mắc. Điều này không chỉ đảm bảo trách nhiệm giải trình xuyên suốt trong quá trình quản lý, thực hiện dự án, còn khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng; từ đó nâng cao hiệu quả và tác động lan tỏa của các hoạt động hỗ trợ./.