Ngành cần chú trọng xây dựng hệ thống thư viện điện tử của các trường trên địa bàn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển quy hoạch tổng thể của thành phố trong giai đoạn mới; giúp chia sẻ, kết nối dữ liệu và thông tin giữa thư viện trường học với thư viện thành phố, thư viện của các cơ sở giáo dục Đại học, Cao đẳng…
TTXVN - Chuyển đổi số trong các hoạt động dạy và học, nghiên cứu khoa học... góp phần hiện đại hóa và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Đây là cơ sở, nền tảng giúp thành phố Cần Thơ tiến tới xây dựng mô hình giáo dục thông minh, đô thị thông minh, thực hiện chính quyền điện tử. Đó là phát biểu của ông Nguyễn Thực Hiện tại Hội thảo “Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo”, do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ tổ chức ngày 1/12.
Để thúc đẩy nhanh và hiệu quả quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và định hướng phát triển trở thành trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Thực Hiện nhấn mạnh, chính quyền địa phương, các cấp lãnh đạo thành phố tiếp tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thực hiện nhiều dự án trong lĩnh vực giáo dục, nhằm đổi mới, sáng tạo, tinh gọn, hiệu quả quản lý, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố…
Ngành Giáo dục và Đào tạo nói chung, các đơn vị đào tạo nói riêng cần chủ động xây dựng lộ trình, phương án đa dạng các nguồn kinh phí nhằm trang bị các phương tiện, thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin vào các phòng học. Qua đó, giúp học sinh có môi trường học tập hiện đại, chủ động, sáng tạo, năng động; hỗ trợ giáo viên trong quá trình giảng dạy; tổ chức hội nghị, hội thảo, bồi dưỡng chuyên môn, họp trực tuyến; hỗ trợ giáo dục, đào tạo từ xa...
Ngành cần chú trọng xây dựng hệ thống thư viện điện tử của các trường trên địa bàn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển quy hoạch tổng thể của thành phố trong giai đoạn mới; giúp chia sẻ, kết nối dữ liệu và thông tin giữa thư viện trường học với thư viện thành phố, thư viện của các cơ sở giáo dục Đại học, Cao đẳng… Từ đó, người học và giáo viên sẽ tiếp cận được nguồn tư liệu dạy và học phong phú, phục vụ đắc lực cho việc nghiên cứu, nâng cao trình độ. Ngành cần thường xuyên tổ chức các lớp học, tập huấn, hội thảo chuyên đề giúp cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng tìm kiếm dữ liệu, tài nguyên trên internet, kỹ năng làm việc theo nhóm...
Năm học 2023 - 2024, thành phố Cần Thơ có 467 cơ sở giáo dục. Trong đó, 100% bậc Mầm non và Trung học có giáo viên Tin học phụ trách giảng dạy môn học Tin học tại trường, bậc Tiểu học là 87%; 100% lực lượng giáo viên, nhân viên có khả năng sử dụng các phần mềm phục vụ cho giảng dạy, quản lý, đánh giá học sinh; 100% các cơ sở giáo dục đều có ít nhất 1 đường truyền internet băng thông rộng.
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ vừa phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam- Chi nhánh Cần Thơ (VNPT Cần Thơ) tổ chức lễ ra mắt Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh vnEdu IOC. Trung tâm gắn với việc hình thành cơ sở dữ liệu quản lý toàn ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đảm bảo các yêu cầu: tích hợp, kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu toàn ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo; cung cấp các thông tin đảm bảo đầy đủ, nhanh chóng, chính xác phục vụ công tác quản lý điều hành, hỗ trợ ra quyết định, dự báo của lãnh đạo các cấp...
Đánh giá các chỉ tiêu theo Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ còn một số chỉ tiêu cần cải thiện. Đó là: chưa xây dựng được nền tảng riêng phục vụ dạy và học trực tuyến; nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến chỉ mới đạt 3% ở cấp Tiểu học, 8% ở cấp Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông; chưa xây dựng được hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số…/.
- Từ khóa:
- Nâng cao
- sử dụng
- công nghệ thông tin
- giáo viên
- học sinh