Văn hóa

Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới

Hà Nội

80 năm qua, Đề cương văn hóa vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn; định hướng lâu dài cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam, mang tầm vóc cương lĩnh của Đảng.

TTXVN - Vai trò và xu hướng chuyển đổi số trong phát triển văn hóa – con người Việt Nam; lan tỏa và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam trong tiến trình xây dựng đất nước… là những nội dung được các đại biểu đề cập tại phiên thảo luận chuyên đề “Văn hóa con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới”, trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam diễn ra ngày 27/2.

* Chuyển đổi số trong phát triển văn hóa

Khẳng định chuyển đổi số và chuyển đổi số ngành văn hóa không nằm ngoài 3 nguyên tắc của Đề cương về văn hóa Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa là cách tiếp cận phổ quát để phát triển nhiều lĩnh vực của Việt Nam. Chuyển đổi số cũng dựa trên 3 nguyên tắc này.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số Việt Nam cần có lý luận Việt Nam về chuyển đổi số. Lý luận này đang được hình thành, đó là toàn dân và toàn diện, lấy người dân làm trung tâm, giải quyết những bài toán lớn, quốc gia bằng chuyển đổi số, không ai bị bỏ lại phía sau, dựa trên các nền tảng made in Việt Nam. Đó cũng là công nghệ cao giải những bài toán nhỏ nhưng thiết thực của người dân, chuyển đổi số từng lĩnh vực, từng ngành. Chuyển đổi số là phương thức phát triển mới, tạo cơ hội để Việt Nam phát triển bứt phá, vươn lên, thay đổi thứ hạng quốc gia.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Chuyển đổi số Việt Nam muốn thành công thì phải đi con đường Việt Nam dựa trên ngữ cảnh đất nước, đặc điểm và sức mạnh cốt lõi. Chuyển đổi số phải dựa trên khoa học công nghệ, sử dụng công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0, phải sử dụng thành tựu mới của nhân loại. Chuyển đổi số phải là công cuộc toàn dân, toàn diện, tức là đại chúng hóa bằng cách ứng dụng công nghệ cao, giá rẻ, dễ dùng, càng dùng nhiều càng rẻ, càng dùng nhiều sản phẩm càng tốt lên để đưa các sản phẩm công nghệ số hiện đại tới được mọi người dân, mang lại lợi ích cho từng người dân…

Chuyển đổi số là tạo ra một môi trường sống mới, môi trường số bên cạnh môi trường thực mà chúng ta đã quen qua hàng ngàn năm. Môi trường mới cũng cần văn hóa mới, con người mới, đó là văn hóa số, con người số. Và trong môi trường mới này, ứng xử và trách nhiệm cũng phải khác với trước đây, chính vì vậy, việc tuyên truyền thường xuyên và đưa vào từ giáo dục phổ thông để hình thành văn hóa số là cần thiết.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, ngành văn hóa cần có nhân lực số để làm chuyển đổi số văn hóa, nhưng trước mắt có thể sử dụng lực lượng công nghệ số đang rất dồi dào của ngành thông tin và truyền thông, sự kết hợp này sẽ giúp đẩy nhanh chuyển đổi số trong sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng đồng hành với ngành văn hóa trong việc xây dựng nền tảng số văn hóa Việt Nam.

Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 cùng sức mạnh văn hóa tinh thần được tạo ra trong cuộc vận động văn hóa từ tháng 2/1943 đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng tháng 8, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

* Xây dựng và phát triển nền văn hóa mới

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Bích Hồng, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội cho rằng, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 với sứ mệnh lịch sử đặc biệt như một ngọn cờ tập hợp đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức tham gia cách mạng, hướng đến cuộc đấu tranh giành độc lập, dân tộc.

Bà Lê Thị Bích Hồng khẳng định, lịch sử văn hóa Việt Nam chính thức mở ra những trang mới từ Đề cương về văn hóa Việt Nam. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” về cơ bản là sự phát triển trên cơ sở ba nguyên tắc: “Dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa” của Đề cương văn hóa năm 1943.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, ba nguyên tắc trên luôn được vận dụng trong thực tế và thực sự đã trở thành những phương châm cơ bản cho một cuộc cách mạng văn hóa. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã nêu lên mục tiêu và những nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” đặt ra mục tiêu: “Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân; phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Sau 15 năm, Đảng ta tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII; ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, tiếp tục nhấn mạnh tính chất của nền văn hóa thể hiện trong quan điểm chỉ đạo: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học...”. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc...”.

“80 năm qua, Đảng ta đã có nhiều văn kiện chỉ đạo lĩnh vực văn hóa, văn nghệ phù hợp với từng thời kỳ lịch sử; nhưng Đề cương văn hóa vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn; định hướng lâu dài cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam và mang tầm vóc cương lĩnh của Đảng, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Bích Hồng nhấn mạnh.

Ðề cương về Văn hóa Việt Nam đã trở thành "kim chỉ nam" đưa đường dẫn lối cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong nhiều giai đoạn cách mạng. (Ảnh: TTXVN)

* Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam

Bàn về phát huy giá trị văn hóa Việt Nam trong xây dựng và phát triển thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, Ủy viên ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh: Sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là sau đổi mới, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh luôn quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI xác định tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về văn hóa: Nâng cao hiệu quả xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa; phát triển văn hóa gắn với hoàn thiện thị trường văn hóa; hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Thành phố đã đạt nhiều kết quả, đã giữ gìn và phát huy bản sắc nền văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu văn hóa các nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Thành phố đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư nước ngoài cho sự nghiệp phát triển văn hóa, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam và thành phố “Văn minh - hiện đại - nghĩa tình”…

Từ thực tiễn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố, trong thời gian tới Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ tiếp tục nâng cao nhận thức các cấp ủy đảng về giá trị Đề cương về Văn hóa Việt Nam, tập trung phát triển văn hóa, xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững… Chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về giá trị lý luận, thực tiễn, sức sống lâu bền và quá trình kế thừa, vận dụng và phát triển những tư tưởng cốt lõi của Đề cương về Văn hóa Việt Nam xuyên suốt 80 năm qua tại Thành phố Hồ Chí Minh; qua đó nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt của văn hóa, văn nghệ, đề cao nghĩa vụ, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, vận dụng ba nguyên tắc vận động để xây dựng nền văn hóa mới, cùng với đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên - Huế rất quan tâm đến văn hóa; làm cho văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tất cả vì con người, vì hạnh phúc của nhân dân.

Ông Phan Ngọc Thọ khẳng định, đối với các di tích lịch sử và văn hóa, ý thức bảo vệ của người dân được nâng cao, do đó công tác bảo tồn, tôn tạo di tích ở các địa phương được tiến hành thuận lợi hơn. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ. Festival Huế là một sự kiện văn hóa điển hình tiêu biểu, trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế, là dịp để giới thiệu và quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Huế nói riêng một cách sinh động, hấp dẫn nhất. Hiện nay, Thừa Thiên - Huế được đánh giá là địa phương có môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, giữ gìn tốt bản sắc văn hóa truyền thống.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế cho biết, trong tiến trình xây dựng Huế là thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị; tỉnh xác định, thực hành văn hóa Huế từ trong mỗi gia đình - nhà trường - xã hội, từ cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội, để Huế luôn gìn giữ bản sắc văn hóa của mình, nhưng vẫn tiếp thu những cái mới, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, vừa làm giàu bản sắc văn hóa, vừa hội nhập một cách chủ động, tích cực…

Phiên thảo luận bàn tròn trong hội thảo. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Trong khuôn khổ Hội thảo cũng diễn ra phiên thảo luận bàn tròn với sự tham gia của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Thượng tá, Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Thị Thúy Hiền, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; ông Nguyễn Việt Nam, Doanh nghiệp sáng tạo TiredCity; Tiến sĩ ngoại giao văn hóa Bùi Nguyên Bảo là người điều phối.../.

Phương Lan

Phương Lan Lộc

Tin liên quan

Xem thêm