Mô hình "Bình dân học AI" được triển khai nhằm phổ biến kiến thức về điều khiển, sử dụng AI cho nhiều người lao động Việt Nam; đồng thời, hướng tới sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và sự tương tác cộng đồng.
TTXVN - Ngày 10/10, tỉnh Yên Bái tổ chức chương trình hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2023 với chủ đề “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”.
Tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh khẳng định, tỉnh quyết tâm thực hiện chuyển đổi số toàn dân, toàn diện. Chính quyền số được triển khai rộng khắp, góp phần cải thiện hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Kinh tế số từng bước phát triển, đóng góp ngày càng quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Xã hội số được hình thành, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin, dịch vụ, tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội.
Năm 2022, chỉ số chuyển đổi số của tỉnh xếp hạng 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 12 bậc so với năm 2021. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tiếp tục khắc phục như: Nhận thức và kỹ năng số cơ bản của một bộ phận cán bộ và người dân còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực phục vụ chuyển đổi số chưa đáp ứng yêu cầu. Vấn đề về tạo lập, số hóa, cập nhật, kết nối cơ sở dữ liệu còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Mức độ ứng dụng công nghệ số của người dân, doanh nghiệp vào thực tiễn cuộc sống chưa cao...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đề nghị, thời gian tới, các cấp ngành, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong thực hiện thông tin, tuyên truyền; nâng cao kỹ năng công nghệ số cho cán bộ và người dân. Các đơn vị quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, các trang thiết bị và nhân lực phục vụ chuyển đổi số; xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu của tỉnh; tập trung tạo lập, số hóa, cập nhật thông tin vào các cơ sở dữ liệu. Các cấp, ngành tăng cường thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu số; ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) vào công việc và ngành, nghề, hoạt động kinh tế - xã hội; đồng thời, đảm an toàn, an ninh thông tin dữ liệu số…
Tại chương trình, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã phát động mô hình “Bình dân học AI”. Theo đó, tỉnh thí điểm triển khai mô hình từ tháng 10/2023 đến hết tháng 3/2024. Đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân trên địa bàn tỉnh. Tỉnh dự kiến mở 24 lớp với số lượng người tham gia học tối thiểu là 500 người. Nội dung học tập trung vào các chủ đề: Tổng quan về AI; các công cụ AI xử lý văn bản như: ChatGPT, Bard, LlaMA; xây dựng video giới thiệu sản phẩm đa ngôn ngữ với AI; ứng dụng AI để chạy quảng cáo tới người nước ngoài; vẽ tranh, trang trí nhà cửa, văn phòng với AI…
Ông Nguyễn Duy Khiêm, Chủ khu nghỉ dưỡng “Niềm mơ Campsite” (xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn) cho rằng, lớp học được tổ chức là cần thiết bởi AI mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống và công việc. Sử dụng AI có thể học tập, làm việc, tiếp cận được khách hàng và tạo ra doanh số bán hàng thực sự, giúp cho hiệu quả công việc tăng lên đáng kể trong khi thời gian làm việc được rút ngắn.
Theo ông Lê Công Thành, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chọn lọc thông tin (INFORE), một trong những người sáng lập mô hình “Bình dân học AI”, Yên Bái là tỉnh đầu tiên khởi động mô hình này. AI trước kia chỉ dành riêng cho các tập đoàn lớn, giờ đây đã trở nên gần gũi với cuộc sống. Các dạng AI hiện đại như ChatGPT, Bard, Midjourney… mở ra khả năng tương tác đặc biệt, cho phép mọi người không còn chỉ giao tiếp bị động mà có thể đưa ra quyết định, điều khiển và tạo ra những giá trị mới với AI một cách dễ dàng.
Mô hình "Bình dân học AI" được triển khai nhằm phổ biến kiến thức về điều khiển, sử dụng AI cho nhiều người lao động Việt Nam; đồng thời, hướng tới sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và sự tương tác cộng đồng. Điểm đặc biệt của mô hình này là việc tập trung vào dữ liệu đa phương tiện như: hình ảnh, giọng nói và văn bản. Đây chính là những dạng dữ liệu phổ biến mọi người tiếp xúc hàng ngày. Với AI, việc xử lý và tạo ra giá trị từ những dữ liệu này trở nên dễ dàng, mở ra nhiều cơ hội mới cho công việc, học tập và cuộc sống…
Dịp này, Ban Tổ chức đã trao giải Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về chuyển đổi số dành cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Yên Bái năm 2023”./.
- Từ khóa:
- Ngày Chuyển đổi số Quốc gia
- Yên Bái