Ngày hội tại mỗi cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân, góp phần xây dựng, củng cố và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
TTXVN - Ngày 30/5, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003 - 2023.
Phát biểu tại hội nghị, đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố Hà Nội đối với việc tổ chức Ngày hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy khẳng định việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những điểm sáng trong công tác Mặt trận của Hà Nội. Thường trực Thành ủy, lãnh đạo UBND thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo các để các cấp, các ngành phối hợp cùng MTTQ tổ chức có hiệu quả Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc; coi việc tổ chức, thực hiện Ngày hội là trách nhiệm là nhiệm vụ chung của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể. Thông qua Ngày hội để gắn kết cộng đồng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, thanh lịch và hiện đại.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành nét đẹp truyền thống, thực sự là Ngày hội tại mỗi cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân, góp phần xây dựng, củng cố và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới. Kết quả của Ngày hội đã đem lại những giá trị tinh thần, làm giàu thêm ý chí cách mạng, tôn vinh sức mạnh cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội từ mỗi thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư trên địa bàn thành phố.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, xác định phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của toàn Đảng bộ, tạo sự thống nhất trong tư tưởng, hành động của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.
MTTQ các cấp chủ động làm tốt công tác tham mưu với các cấp Đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên nhằm phát huy vai trò, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Các Ban công tác Mặt trận năng động, sáng tạo trong việc đổi mới nội dung, hình thức tổ chức Ngày hội sát với tình hình thực tế, rút ngắn phần lễ, tăng phần hội, bảo đảm vừa trang trọng, trang nghiêm, vừa vui tươi, phấn khởi, gần gũi, gắn bó trong nhân dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, Ngày hội đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị, là hoạt động tinh thần không thể thiếu trong cộng đồng dân cư với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Thông qua việc tổ chức Ngày hội ở khu dân cư đã kịp thời tôn vinh các tập thể, người tốt - việc tốt, những điển hình tiên tiến, nhân tố mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thúc đẩy phong trào, thi đua phát triển sản xuất kinh doanh và giảm nghèo bền vững. Ngày hội cũng là dịp để thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên có cuộc sống tốt hơn
Năm 2022, toàn thành phố có 88% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 1.360/2.149 thôn đạt danh hiệu Làng văn hóa; 2.356/3.249 Tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa. Số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa ước đạt 71,8%. Đến nay, 15/18 huyện, thị xã của thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trong năm 2023, các huyện Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Thanh Oai đăng ký hoàn thiện tiêu chuẩn đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Dịp này, nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được nhận Bằng khen của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội./.