Giáo dục

Hưng Yên: Hướng tới nền giáo dục thực học và được ưu tiên hàng đầu

Hưng Yên

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh tiếp tục coi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, hướng tới nền giáo dục thực học, được ưu tiên hàng đầu trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Toản trao Bằng khen cho các tập thể (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

TTXVN - "Tiếp tục coi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, hướng tới nền giáo dục thực học và được ưu tiên hàng đầu trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội". Đây là vấn đề được Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên Trần Quốc Toản nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Hội nghị do Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức chiều 29/5.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên yêu cầu thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp, các địa phương, đơn vị, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo, tổ chức tốt việc học tập suốt đời. Mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, đơn vị khắc phục triệt để bệnh thành tích trong giáo dục, hướng tới nền giáo dục thực học, thực nghiệp; chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và người lao động trong các doanh nghiệp...

10 năm qua, tỉnh Hưng Yên ban hành nhiều Nghị quyết, Chương trình hành động, Kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Sự nghiệp giáo dục-đào tạo của tỉnh phát triển vững chắc, chất lượng, hiệu quả giáo dục từng bước được nâng lên, vị thế của giáo dục Hưng Yên ngày càng được khẳng định và đạt nhiều thành tựu nổi bật. Quy mô mạng lưới trường, lớp các cấp học, bậc học trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm tăng cường đầu tư gắn với Chương trình xây dựng Nông thôn mới theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Toản phát biểu tại hội nghị  (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Đến nay, toàn tỉnh có 80% số trường học đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuẩn trở lên ở bậc mầm non đạt hơn 96%, giáo viên bậc Tiểu học đạt 88%, giáo viên bậc Trung học Cơ sở đạt 85%, giáo viên bậc Trung học Phổ thông đạt 100%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 68%. Giai đoạn 2013-2023, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông hằng năm đạt từ 92% đến hơn 99%; có 425 học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia...

Tỉnh Hưng Yên đã từng bước thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đem lại từ hợp tác quốc tế cho công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, mở rộng các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, triển khai thực hiện tốt Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính phủ. Điển hình là các cơ sở như: Trường Đại học Y khoa Tokyo; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên; Trường Đại học Tài chính-Quản trị Kinh doanh; Trường Đại học Anh Quốc...

Về giáo dục Phổ thông và Mầm non, đã có nhiều trường có cách làm mới, mô hình hay, mang lại hiệu quả thiết thực như: Trường Trung học Cơ sở Nhân Hòa, Trường Mầm non Xuân Dục (thị xã Mỹ Hào); Trường Trung học Cơ sở Phạm Huy Thông (Ân Thi), Trường Trung học Cơ sở Liêu Xá (Yên Mỹ), Trường Tiểu học Trần Cao (Phù Cừ). Về cá nhân điển hình có cô giáo Trần Thị Thúy là giáo viên Tiếng Anh Trường Trung học Phổ thông Đức Hợp, Kim Động (Hưng Yên) vinh dự lọt top 50 giáo viên được nhận Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu (Global Teacher Prize) năm 2019.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai đề nghị tỉnh Hưng Yên cần tiếp tục tạo sự chuyển biến về nhận thức và sự đồng thuận của xã hội. Phải thực sự coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, có sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Trong đó, coi trọng đổi mới công tác quản lý, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thực hiện tốt 3 môi trường giáo dục: Nhà trường, gia đình và xã hội; có chiến lược quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo dạy nghề theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập gắn với nhu cầu xã hội.

Dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên tặng bằng khen cho 48 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW./.

Mai Ngoan

Tin liên quan

Xem thêm