Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa; hiểu biết hơn về đại dương; nỗ lực thay đổi để bảo vệ đại dương.
Sáng 5/6, Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, Ngày Môi trường thế giới năm 2024 được tổ chức ở nhiều địa phương trong cả nước nhằm hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn.
* Chung tay bảo vệ môi trường biển, hải đảo
Tại thành phố Phan Thiết, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức Lễ mít tinh, thu hút sự tham gia của đại diện các sở, ngành, chính quyền các địa phương cùng hơn 400 cán bộ, đoàn viên, thanh niên và lực lượng vũ trang.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, với chủ đề "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa", "Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương", Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới năm nay nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa; hiểu biết hơn về đại dương; nỗ lực thay đổi để bảo vệ đại dương, vì một đại dương xanh và bền vững. Bên cạnh đó, Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam được tổ chức từ ngày 1 - 8/6 với chủ đề "Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển". Đây là dịp để Việt Nam khẳng định tiềm lực và quyết tâm phát triển bền vững các ngành kinh tế biển đồng thời với bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ quyền quốc gia trên biển.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đăng khẳng định, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Biển và hải đảo không chỉ là nguồn tài nguyên kinh tế quan trọng mà còn là biểu tượng của sự tự do, độc lập và chủ quyền của quốc gia.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tập trung tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luật pháp quốc tế về biển, đảo; các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển; vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển, đảo và đại dương; tài nguyên, môi trường biển, đảo gắn với việc tuyên truyền, triển khai Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản về tăng cường hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất, quản lý tốt rác thải nhựa đại dương, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính…
Các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 60-CTr/TU ngày 18/1/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh; phát triển các ngành kinh tế biển, thu hút mạnh hơn các nguồn lực đầu tư, tăng cường tiềm lực của tỉnh, từng bước khẳng định thương hiệu biển của tỉnh.
Các địa phương, các ngành tăng cường phòng chống, có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tối đa quá trình sa mạc hóa, hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức, coi nội dung phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Các cấp chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và người dân nâng cao nhận thức, tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải nhựa ven biển và trên các hải đảo; tăng cường trách nhiệm của cộng đồng trong việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; từng bước hình thành thói quen, ý thức tự giác và trách nhiệm trong mỗi người…
Dịp này, Ban Tổ chức trao tặng 100 lá cờ Tổ quốc và 1.000 túi vải bảo vệ môi trường cho Bộ đội Biên phòng tỉnh và thành phố Phan Thiết. Sau Lễ mít tinh, các đại biểu cùng các lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên và người dân trên địa bàn tham gia hoạt động dọn vệ sinh, thu gom rác tại khu vực công viên biển Đồi Dương- Thương Chánh và diễu hành kêu gọi người dân bảo vệ môi trường.
* Bảo vệ và phát triển cây phân tán
Tại Lễ phát động tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, Ngày Môi trường thế giới năm 2024, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp và cộng đồng cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động, thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển cây phân tán.
Trong thời gian tới, tỉnh tập trung tuyên truyền triển khai và thi hành nghiêm Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất; các văn bản hướng dẫn về ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh tập trung rà soát, điều tra, đánh giá khu vực đất bị ô nhiễm, có nguy cơ ô nhiễm, đảm bảo các khu vực này phải được khoanh vùng; xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm theo quy định. Đặc biệt, tỉnh tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương và tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia tiếp cận với các thông tin và kỹ thuật phòng tránh khô hạn.
Hậu Giang chủ động và tăng cường công tác thanh, kiểm tra chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp và phân loại rác thải tại nguồn. Tỉnh thường xuyên thực hiện ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom, xử lý chất thải; triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc phục hồi đất, chống hạn hán, đặc biệt là những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng hạn hán.
Hậu Giang là một trong các tỉnh, thành tại Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã biểu hiện hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Mùa khô năm 2024, ước tính vùng nguy cơ hạn, ảnh hưởng mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh khoảng 90.000 - 110.000 ha. Trong đó, huyện Long Mỹ là địa phương ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn hán, xâm nhập mặn, gây tác động to lớn đến đời sống nhân dân và sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Ngoài ra, việc sử dụng đất đai một cách tiết kiệm, hiệu quả, chất lượng và bền vững cũng là thách thức của Hậu Giang./.