Xã hội

Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11: Đa dạng hình thức tuyên truyền cho giới trẻ

Đắk Lắk

Qua Phiên tòa giả định, chỉ ra hậu quả của những vụ cố ý gây thương tích không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề cho bị hại, người thân bị hại mà còn gây tổn hại đối với bản thân và gia đình của đối tượng phạm tội, gây mất an ninh trật tự.

Phiên tòa giả định xét xử vụ án Cố ý gây thương tích. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

TTXVN - Ngày 4/11, Tỉnh Đoàn Đắk Lắk phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức “Phiên tòa giả định” tuyên truyền pháp luật năm 2023 tại Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn (thành phố Buôn Ma Thuột); với sự tham gia của hơn 1.600 học sinh, đoàn viên, thanh niên.

Chương trình nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11. Tại đây, đoàn viên, thanh niên, học sinh đã được theo dõi tiểu phẩm “Lời xin lỗi muộn màng” và trích đoạn phiên tòa xét xử vụ án cố ý gây thương tích. Nội dung vụ của phiên tòa giả định được xây dựng dựa trên tình huống có thật trong cuộc sống. Qua đó, phiên tòa chỉ ra hậu quả của những vụ cố ý gây thương tích không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề về vật chất, sức khỏe, tinh thần cho bị hại, người thân bị hại mà còn gây tổn hại đối với bản thân và gia đình của đối tượng phạm tội, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Kết thúc phiên tòa đã diễn ra hoạt động giao lưu, hỏi đáp về pháp luật. Ngoài ra, chương trình cũng đặt ra những câu hỏi, tình huống gợi mở để học sinh, đoàn viên, thanh niên nêu quan điểm về bạo lực học đường, cách xử lý khi chứng kiến bạo lực học đường; vai trò của mỗi cá nhân, đặc biệt là học sinh nhằm ngăn chặn và phòng, chống tình trạng này.

Học sinh giao lưu, trả lời kiến thức pháp luật rút ra từ phiên tòa giả định và nhận thức về bạo lực học đường. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Em Nguyễn Hoàng Như Phúc (học sinh lớp 11A10, Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn) cho biết, thông qua chương trình phiên tòa giả định, em đã biết và hiểu hơn về kiến thức pháp luật, nhất là về bạo lực học đường. Theo em Phúc, cần có những phiên tòa giả định trong trường học. Bởi vì đây là cách làm hay, sống động, có câu chuyện, tình huống và cách giải quyết, giúp học sinh dễ tiếp thu các kiến thức pháp luật.

Theo anh Vũ Việt Trí, Bí thư Chi đoàn Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh việc xây dựng phiên tòa giả định, Viện đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác, nghiệp vụ chuyên môn của ngành; đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật hướng về vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, buôn kết nghĩa.

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Lắk Phan Thị Trinh cho biết, năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức phong phú thông qua hội thi, tiểu phẩm sân khấu hóa, phát tờ rơi, tuyên truyền trên loa phát thanh và loa cầm tay ở cơ sở, tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến trên không gian mạng, lồng ghép tuyên truyền trong sinh hoạt Đoàn… Qua đó đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên nhiệt tình hưởng ứng./.

Hoài Thu

Xem thêm