Xã hội

Phát huy vai trò của tuổi trẻ trong chuyển đổi số

TP. Hồ Chí Minh

Nhằm phát huy vai trò xung kích và lợi thế về sự nhạy bén với công nghệ, kỹ thuật, tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động mở rộng ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động.

Ngày càng có nhiều sinh viên sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số dành cho thanh niên. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Trước bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số trở thành yêu cầu tất yếu, khách quan, tạo động lực cho sự phát triển của đất nước cũng như từng địa phương. Trong thời đại số, người trẻ vừa là công dân số vừa người tiêu dùng số và sáng tạo số, là lực lượng tham gia tích cực nhất vào hoạt động này. Nhằm phát huy vai trò xung kích và lợi thế về sự nhạy bén với công nghệ, kỹ thuật, tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động mở rộng ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Tăng hiệu quả cho công tác tập hợp thanh niên

Từ năm 2020 đến nay, các cấp bộ Đoàn Thành phố đã triển khai và nhân rộng nhiều giải pháp, mô hình chuyển đổi số trong các hoạt động của Đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố; tiên phong ứng dụng chuyển đổi số trên các mặt công tác; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động của Đoàn; phát huy vai trò của sinh viên, thanh niên trong tham gia tích cực công cuộc chuyển đổi số. Qua đó, giúp thông điệp “chuyển đổi số” thấm sâu trong mọi hoạt động của tuổi trẻ Thành phố.

Tiêu biểu là việc mở rộng các hoạt động tình nguyện Hè trên không gian mạng thông qua cổng thông tin kết nối tình nguyện Thành phố và trang cộng đồng Go Volunteer! do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố quản lý. Mô hình ra đời vào năm 2021 trong thời điểm COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhằm giúp Thành phố nhanh chóng triển khai lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ các tuyến đầu nhưng phải đảm bảo an toàn. Hình thức tập hợp thanh niên này đến nay tiếp tục được Thành Đoàn Thành phố duy trì và phát huy hiệu quả.

Các bạn sinh viên cài đặt ứng dụng chuyển đổi số SV360 do Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh phát triển (Ảnh: TTXVN phát)

Theo anh Ngô Minh Hải, Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, việc khai thác ưu thế của mạng xã hội để kết nối tình nguyện giúp thông tin về các hoạt động tình nguyện tiếp cận với nhiều đối tượng thanh niên hơn. Tất cả thanh niên có nguyện vọng tham gia tình nguyện đều có thể đăng ký bằng cách gia nhập nhóm Go Volunteer! trên Facebook; sau đó theo dõi các bài tuyển tình nguyện viên theo nhiệm vụ, công việc và thời gian cụ thể rồi đăng ký hoạt động phù hợp. Trên cơ sở nhu cầu của địa phương, Ban điều hành các chiến dịch sẽ kiểm tra thông tin, lọc và gửi danh sách tình nguyện viên được tuyển. Mọi quy trình trên đều được thực hiện trên không gian mạng. Ngoài ra, thông qua các nền tảng tình nguyện trực tuyến, thanh niên còn có thể gửi thắc mắc về kỹ năng tình nguyện, các chính sách hỗ trợ tình nguyện viên và nhận câu trả lời từ phía Ban điều hành; giao lưu, kết nối với các tình nguyện viên từ nhiều đơn vị, địa phương trong và ngoài địa bàn Thành phố, từ đó mở rộng các mối quan hệ xã hội…

Từ năm 2021 đến nay, các nền tảng tình nguyện trực tuyến của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã kết nối thanh niên với nhiều chương trình vì cộng đồng khác. Trong đó có Chương trình trực tuyến đi bộ đồng hành “Tiếp sức đến trường” do Thành Đoàn phối hợp với ứng dụng ví điện tử MOMO tổ chức, thu hút hơn 126.000 người tham gia với gần 7 tỷ bước chân tình nguyện được tích lũy, đóng góp vào Quỹ học bổng “Tiếp sức đến trường” của Thành phố hơn 7 tỷ đồng.

Ở cấp đơn vị, hình thức tập hợp thanh niên thông qua không gian mạng cũng dần trở nên phổ biến. Năm 2020, Hội Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai Chương trình “Đường chạy trực tuyến UEH Run Together” nhằm kêu gọi sinh viên tham gia chạy bộ, lan tỏa thông điệp bảo vệ sức khỏe. Chương trình kéo dài trong 3 tuần và thu hút 3.724 sinh viên trên toàn quốc, được tổ chức với hình thức tiếp cận trên nền tảng trực tuyến giúp các bạn dễ dàng đăng ký tham gia. Hoạt động chạy bộ được thiết kế giúp các sinh viên linh hoạt về thời gian và không gian với địa điểm chạy là khắp nơi trên mọi miền đất nước. Người tham gia sẽ thực hiện chạy và ghi nhận kết quả qua nền tảng iRace và ứng dụng theo dõi quá trình chạy Strava được tích hợp.

Chị Dư Phúc Mỹ Kim, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong chuyển đổi số, việc quan trọng là hình thành thói quen số. Do đó, việc thực hiện tập hợp thanh niên và tổ chức các chương trình, phong trào Đoàn, Hội thông qua không gian mạng sẽ góp phần giúp đoàn viên thay đổi tư duy, chuyển đổi từ hình thức tập trung trực tiếp sang tập trung trực tuyến. Qua đó, giúp lan tỏa các hoạt động đến nhiều tầng lớp thanh niên, tạo điều kiện cho các bạn trẻ ở vùng sâu vùng xa hoặc ngoài địa bàn cùng tham gia phong trào.

Ứng dụng chuyển đổi số để chăm lo cho thanh niên

Bên cạnh việc tập hợp thanh niên tham gia phong trào, hoạt động, Thành Đoàn Thành phố cùng các đơn vị trực thuộc đã ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin để chăm lo cuộc sống, sức khỏe, tinh thần cho thanh niên. Tiêu biểu như: Ứng dụng hỗ trợ sinh viên SV360 do Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố phát triển và đưa vào sử dụng từ năm 2020 đến nay.

Theo anh Lê Xuân Dũng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh, trên cả nước nói chung và đặc biệt là các đô thị lớn như: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, nhiều đối tượng lừa đảo, đa cấp biến tướng… đã tận dụng không gian mạng để tấn công vào lực lượng sinh viên. Vì vậy, Ứng dụng SV360 ra đời với mong muốn xây dựng một kênh thông tin tập trung, chính thống, cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích cho sinh viên về hoạt động Đoàn, Hội, học tập, việc làm, nâng cao kỹ năng thực hành xã hội; phát huy sức mạnh hệ thống Thành Đoàn, Hội Sinh viên Thành phố, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và các cơ sở Hội cùng tham gia đồng hành hỗ trợ sinh viên.

Tính năng chính của Ứng dụng SV360 là cung cấp những thông tin thời sự, xã hội, giáo dục, pháp luật phù hợp với sinh viên. Trong đó có chuyên mục “Nhận diện những tình huống lừa đảo khi sinh viên đi tìm việc” với các chủ đề nóng hiện nay như Lừa đảo đa cấp biến tướng, Lừa đảo làm nhiệm vụ, Lừa đảo qua điện thoại… nhằm trang bị những kiến thức cần thiết cho các bạn trẻ trong quá trình tìm việc. Ứng dụng này còn cập nhật tin tức về các sự kiện, hoạt động, hội thảo, ngày hội dành cho sinh viên do Đoàn, Hội tổ chức và cho phép sinh viên đăng ký tham gia trực tiếp qua ứng dụng... Hiện, Ứng dụng SV360 đang được phát triển trên nền tảng điện thoại thông minh phổ biến, tương thích trên các hệ điều hành quen thuộc như iOS, Android với giao diện thân thiện, dễ dàng truy cập và tương tác. Ứng dụng đã có gần 30.000 người dùng với hơn 250 hoạt động đã được đăng tải, triển khai trên ứng dụng; 3.000 việc làm thời vụ và chính thức được giới thiệu cho sinh viên; cung cấp hơn 1.000 thông tin chỗ trọ và 1.000 ưu đãi dành cho các bạn trẻ.

Trong công tác chăm lo sức khỏe cho sinh viên, Hội Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã triển khai mô hình “Tư vấn tâm lý online - Không gian chia sẻ WeTalk online” từ năm 2020 nhằm hỗ trợ tư vấn, giải tỏa tâm lý cho sinh viên.

Anh Lê Hải Phong, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, nhiều sinh viên gặp vấn đề tâm lý ngại giao tiếp, không chủ động đến gặp các chuyên gia và cũng không muốn để người khác biết mình đến gặp chuyên gia tâm lý. Với mô hình tư vấn online, các sinh viên có một môi trường trực tuyến riêng tư và đáng tin cậy; có thể thoải mái chia sẻ với chuyên gia tâm lý những vấn đề khó khăn về tình cảm, gia đình, học tập và các mối quan hệ xung quanh. Hiện, Hội Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Công nghệ Thông tin đang tổ chức mô hình Tư vấn tâm lý trực tuyến song song với mô hình Tư vấn trực tiếp cho những bạn có nhu cầu (từ 1 - 2 buổi/tuần). Mô hình đã nhận được nhiều sự quan tâm của Đại học Quốc gia và các trường Đại học trên địa bàn. Hiện, mô hình đang được nhân rộng tại Trường Đại học Kinh Tế - Luật và Trường Đại học Quốc Tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số đối với mỗi quốc gia, địa phương là kỹ năng số của người dân và văn hóa sống trong môi trường số. Sinh viên, thanh niên có điều kiện để tiếp cận và ứng dụng công nghệ nhanh chóng hơn các thế hệ đi trước, vừa trở thành công dân số vừa là người tiêu dùng số và sáng tạo số. Do đó, vai trò, vị trí của thanh niên, sinh viên trong chuyển đổi số là rất quan trọng, là những người dẫn dắt đất nước đến thế giới số hóa. Trong kỷ nguyên số, tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung đang không ngừng học hỏi, nghiên cứu và tham gia tích cực vào quá trình này, trở thành chủ thể tích cực trong công cuộc chuyển đổi số, giúp đất nước ngày càng phát triển trong thời đại số hóa./.

Hồng Giang

Tin liên quan

Xem thêm