Làm việc trong một môi trường khó khăn, thậm chí nguy hiểm, nhưng niềm vui, niềm hạnh phúc của những nhân viên y tế là nhìn thấy bệnh nhân của mình được điều trị khỏi, xuất viện và có thể trở về hòa nhập với gia đình, cộng đồng.
TTXVN - Với nỗ lực của mình, đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) đã vượt qua khó khăn, đồng hành, chia sẻ, chăm sóc giúp nhiều bệnh nhân tâm thần điều trị khỏi bệnh, hòa nhập với gia đình, cộng đồng. Hơn ai hết, những nhân viên y tế này hiểu được hoàn cảnh, số phận của những bệnh nhân này, hiểu họ rất cần hơi ấm của cộng đồng, xã hội để hòa nhập.
* Gắn bó bằng tình thương, lòng yêu nghề
Ánh mắt vô hồn, gương mặt ngờ nghệch, đôi lúc có những hành động như một đứa trẻ là điểm chung của những bệnh nhân đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2. Đa số bệnh nhân ở đây đều có những thời điểm không làm chủ được suy nghĩ, hành vi của mình, có thể gây nguy hiểm cho y, bác sĩ. Tuy nhiên, không vì vậy mà những nhân viên y tế ở đây nản chí, xa lánh hay ghét bỏ bệnh nhân, thậm chí sau những lần bệnh nhân lên cơn, các bác sĩ lại càng thương yêu, đồng cảm hơn với bệnh nhân của mình.
Có bố là một bệnh binh bị ảnh hưởng do hậu quả của chiến tranh, từ nhỏ chị Đặng Thị Hợi, Điều dưỡng trưởng, Khoa Cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 thường xuyên phải chứng kiến những cơn đau dữ dội của bố mà không thể làm gì được. Do đó, từ bé, chị đã ấp ủ ước mơ được trở thành nhân viên y tế để chăm sóc cho bố và những người bệnh không may mắn.
Thương cảm với số phận của những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần, chị Hợi quyết định “đầu quân”, vào làm việc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2. Ban đầu, người thân và bạn bè phản đối sự lựa chọn này vì cho rằng làm việc trong môi trường đó sẽ rất vất vả và hơn nữa những bệnh nhân trong đây đều rất đáng sợ. Gạt đi mọi lời can ngăn, chị Hợi vẫn quyết tâm gắn bó.
Chị Hợi cho biết, những bệnh nhân tâm thần mỗi người một kiểu, có người trầm tính, ít nói, có người la hét, lúc khóc, lúc cười. Mỗi người đều có những hoàn cảnh mắc bệnh khác nhau, có người do di truyền, do gặp phải biến cố trong cuộc sống, hay trải qua cú sốc tinh thần… Việc chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân này là công việc vừa khó khăn, vất vả mà không kém phần nguy hiểm, vì mỗi khi bị lên cơn họ khó có thể kiểm soát được hành vi của mình. Tuy nhiên, bằng tình thương, cái tâm của người thầy thuốc, chị vẫn đang gắn bó, từng ngày vượt khó vì người bệnh.
“Nhiều khó khăn là vậy, nhưng khi vào làm việc rồi mình mới thấy, những bệnh nhân trong này thực sự đáng thương hơn đáng sợ, họ chỉ đáng sợ những lúc bị lên cơn, còn lại họ giống như những đứa trẻ, cũng có những tâm sự và rất cần được sẻ chia, nếu mình cũng bỏ cuộc, ai sẽ là người đồng cảm, cùng họ chiến thắng bệnh tật”, chị Hợi chia sẻ.
Theo chị Hợi, bệnh nhân khi đã vào đây điều trị đều coi các nhân viên y tế như người thân, vì đa phần mọi hoạt động thường ngày như ăn cơm, uống thuốc, thậm chí là tắm rửa, cắt tóc… bệnh nhân đều phải phụ thuộc hoàn toàn vào những nhân viên y tế. Hiểu được những thiệt thòi của người bệnh, từ khi bước chân vào nghề, dù gặp phải nhiều khó khăn, vất vả nhưng chị Hợi vẫn luôn nỗ lực vượt khó để gắn bó.
Hơn 27 năm gắn bó với nghề, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Lan Anh, Trưởng Khoa Bán cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, cho biết, với việc điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh tâm thần, áp lực của các y, bác sỹ nhiều hơn vì đa phần bệnh nhân không còn khả năng nhận thức, thường xuyên la hét. Mỗi khi phát bệnh, bệnh nhân không chịu phối hợp, thậm chí đánh cả bác sĩ. Do đó, việc uống thuốc hay ăn uống cũng rất khó khăn, nhiều khi những nhân viên y tế phải dỗ dành như những đứa trẻ, bệnh nhân mới chịu hợp tác.
“Có lần, trong lúc đang thăm khám, một bệnh nhân nam phát bệnh, không kiểm soát được hành vi nên đã dùng một vật cứng trực tiếp đập vào đầu khiến tôi bị chảy máu rất nhiều, phải vá hơn 10 mũi”, bác sĩ Lan Anh nhớ lại.
Đến nay, sau hơn 27 năm, vết sẹo trên đầu vẫn còn, nhưng không vì thế mà bác sĩ Lan Anh từ bỏ tình yêu nghề, vơi đi tình thương với bệnh nhân. Hiểu được nỗi khổ của mỗi bệnh nhân nơi đây, các y, bác sĩ càng thông cảm và thương bệnh nhân nhiều hơn. Bác sĩ Lan Anh tâm niệm, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải cố gắng, dồn hết tâm huyết để điều trị cho bệnh nhân để giúp họ mau khỏi bệnh, sớm trở về hòa nhập với gia đình và cộng đồng.
* Hạnh phúc vỡ òa
Làm việc trong một môi trường đầy khó khăn, thậm chí nguy hiểm, nhưng niềm vui, niềm hạnh phúc của những nhân viên y tế ở đây rất đơn giản, đó là khi nhìn thấy bệnh nhân của mình được điều trị khỏi, xuất viện và có thể trở về hòa nhập với gia đình, cộng đồng.
Bác sĩ Trần Thị Lan Anh cho biết, trong cuộc đời làm nghề của chị, niềm hạnh phúc lớn lao nhất là những giây phút nhìn thấy bệnh nhân của mình khỏi bệnh, được người nhà đón trở về, để họ có được cuộc sống bình thường, được hòa nhập với xã hội.
“Tôi có một bệnh nhân nữ từng làm cô giáo, nhưng do một biến cố nào đó đã mắc bệnh tâm thần. Tuy nhiên, sau khi điều trị khỏi, cô giáo đó vẫn tiếp tục lên lớp giảng dạy cho học sinh. Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị khỏi có thể đi làm công nhân, bảo vệ… Đó thực sự là những món quà vô giá đối với tôi mà không gì có thể sánh bằng”, bác sĩ Lan Anh chia sẻ.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thủy, Trưởng Khoa Cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, trong quá trình khám bệnh, bệnh nhân có những cơn kích động, tấn công nhân viên y tế. Tuy nhiên, do hiểu được hoàn cảnh, sự yếu thế của những bệnh nhân này, các y, bác sĩ ở đây chỉ xem đó là những sự cố trong công việc.
“Niềm vui lớn nhất của tôi là được nhìn thấy những bệnh nhân của mình tiến bộ hằng ngày, từ lúc kích động, không làm chủ được bản thân cho tới lúc họ nhận thức được hành vi, nói lời cảm ơn và lời chào tạm biệt bác sĩ để xuất viện sau khi điều trị khỏi bệnh. Đó cũng là động lực để những nhân viên y tế như chúng tôi dù làm việc trong môi trường khó khăn, nguy hiểm nhưng vẫn nỗ lực, gắn bó với nghề”, bác sĩ Thủy cho biết thêm.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cho biết, bệnh viện đang điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân nội trú, nhưng chỉ có khoảng 700 nhân viên y tế. Những bệnh nhân vào đây đa phần đều không làm chủ được bản thân. Tất cả mọi sinh hoạt, hoạt động trong ngày đều cần sự giúp đỡ của đội ngũ nhân viên y tế. Thời gian qua, sự thiếu hụt nhân viên y tế trong bệnh viện khiến các y, bác sĩ đang phải nỗ lực làm việc ngày đêm để chăm sóc bệnh nhân. Phải có tình thương bệnh nhân, lòng yêu nghề sâu sắc, những nhân viên y tế mới có thể bám trụ, gắn bó với nghề để chăm sóc tốt, cảm hóa những bệnh nhân tâm thần giúp họ mau khỏi bệnh và hòa nhập với xã hội./.