Toàn tỉnh Hòa Bình đã thành lập và duy trì 4 đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành tại các cơ sở.
TTXVN - Ngày 3/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; rút kinh nghiệm toàn diện đối với 3 vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm xen cài trong khu dân cư trên địa bàn.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh nhấn mạnh, các đơn vị chức năng phải xác định rõ, thống nhất nhận thức công tác phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội; đồng thời, quán triệt sâu sắc, nghiêm túc các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng chống cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ.
Ông Bùi Văn Khánh đề nghị, lực lượng Công an là nòng cốt, chủ động, tích cực tham mưu cho UBND tỉnh các nội dung liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành chức năng, tăng cường công tác phối hợp, đẩy mạnh công tác này theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quy định; tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên các phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp tại địa bàn dân cư, cơ sở. UBND các huyện, thành phố tổ chức hội nghị đánh giá và triển khai nhiệm vụ trọng tâm về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại địa phương; thực hiện rà soát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đảm bảo yêu cầu về phòng chống cháy nổ theo quy định; chú trọng công tác phòng cháy ngay từ cơ sở.
Theo thống kê của UBND tỉnh Hòa Bình, từ ngày 1/1/2020 đến nay, địa bàn tỉnh xảy ra 45 vụ cháy, làm chết 3 người, bị thương 6 người, gây thiệt hại về tài sản khoảng 9,8 tỷ đồng và khoảng 10,5 ha rừng. Đánh giá tình hình cho thấy, số vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh và cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm xen cài trong khu dân cư chiếm 20% tổng số vụ cháy trên địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện và một phần do sơ xuất trong quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt. Các công trình nhà ở được xây dựng kiên cố nhưng không có giải pháp ngăn cháy chống lan, không đáp ứng các yêu cầu về an toàn thoát nạn, an toàn hệ thống điện. Công tác tiếp cận tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
Lực lượng Công an tỉnh nói chung và Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nói riêng đã thực hiện tốt công tác nắm, dự báo tình hình, tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các cấp triển khai hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã phối hợp với Công an các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp và người dân thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật; xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy”, các mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”, “Điểm chữa cháy công cộng”...; vận động người dân mở lối thoát nạn thứ hai, tự mua sắm bình chữa cháy, lắp cảm biến báo cháy để tự bảo vệ tính mạng, tài sản của gia đình.
Toàn tỉnh đã thành lập và duy trì 4 đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành tại các cơ sở; 2.011 đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở tại các cơ quan, doanh nghiệp với 20 nghìn hội viên. Ngoài ra, tỉnh củng cố, xây dựng một đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng; 10 tổ quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; 206 tổ bảo vệ rừng cấp xã và 5 tổ bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng, Khu Bảo tồn thiên nhiên; thành lập 1.257 tổ quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng với 7.600 người tham gia…
Trong quá trình triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhiều đơn vị, cơ sở đã có cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực đã và đang được nhân rộng; xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, biểu dương, khen thưởng.
Tại hội nghị, các sở, ngành, địa phương đã đánh giá làm rõ những kết quả, hạn chế trong thực hiện phòng chống cháy nổ tại đơn vị, ngành phụ trách; đồng thời, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ để tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian tới./.
- Từ khóa:
- Hòa Bình
- phòng cháy