Giáo dục

Nghệ An: Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Nghệ An

Gần 1 triệu học sinh và giáo viên của hơn 1.530 trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã hân hoan, phấn khởi bước vào năm học mới 2023 - 2024.

Đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đánh trống khai giảng năm học 2023 - 2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Phổ thông số 2. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

TTXVN - Cùng với cả nước, sáng 5/9, gần 1 triệu học sinh và giáo viên của hơn 1.530 trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã hân hoan, phấn khởi bước vào năm học mới 2023 - 2024.

Lễ khai giảng năm nay được các trường tổ chức đồng loạt vào 7 giờ 30 phút với hai phần gồm phần lễ và hội. Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, buổi lễ được tổ chức ngắn gọn, trang trọng, phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường và tâm lý lứa tuổi học sinh mỗi cấp học, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.

Lễ Khai giảng tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Trước thềm năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường căn cứ kế hoạch thời gian năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục Mầm non, giáo dục Phổ thông và giáo dục thường xuyên, xây dựng kế hoạch trong cả năm học bảo đảm nội dung chương trình giáo dục theo quy định, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương và của nhà trường...

Năm học 2023 - 2024 là năm học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông với việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Toàn ngành Nghệ An tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với các lớp đã triển khai gồm 1, 2, 3, 6,7, 10 và sẽ triển khai mới trong năm học này với lớp 4, 8, 11. Đồng thời, ngành chuẩn bị điều kiện cho 3 lớp cuối cấp.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đánh trống khai giảng tại trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). (Ảnh: Bích Huệ/TTVXN)

Để thực hiện mục tiêu trên, ngành Giáo dục tỉnh đề ra 3 nhiệm vụ và giải pháp đột phá; đồng thời, đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để phù hợp với từng bậc học, cấp học. Trong đó, nhiệm vụ chính là đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn; phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đủ phẩm chất, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, có tầm nhìn và sáng tạo; chủ động liên kết, hợp tác với các địa phương, đơn vị trong nước. Ngành tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển giáo dục và đào tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số đảm bảo mục tiêu kép vừa thay đổi hình thức hoạt động quản lý, quản trị và dạy học, vừa đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao hình thành chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Năm học này, Nghệ An triển khai thí điểm xây dựng 14 trường Trung học trọng điểm, chất lượng cao trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2023; thí điểm trường Mầm non, Phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế trên địa bàn thành phố Vinh và vùng thuận lợi; hướng đến xây dựng thành phố giáo dục thông minh, tiên tiến. Tỉnh tập trung xây dựng các trường Phổ thông dân tộc bán trú; thí điểm xây dựng 12 trường thực hiện mô hình trường Phổ thông dân tộc bán trú kiểu mới ở Tiểu học và Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông bán trú; quan tâm nhân rộng nhằm đảm bảo chất lượng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn.../.


Bích Huệ

Xem thêm