Nghị quyết 15-NQ/TW, điểm tựa để Thủ đô cất cánh: Bài cuối - Đoàn kết lập nên kỳ tích sông Hồng
Không chỉ phát triển Thủ đô, mà Hà Nội phải trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
(TTXVN) Theo ý kiến các chuyên gia, Nghị quyết 15-NQ/TW là sự kết tinh trí tuệ, sáng tạo, thể hiện tư duy lý luận và thực tiễn mang tầm nhìn thời đại về chiến lược phát triển Thủ đô cao hơn, mục tiêu đi xa hơn, làm nên kỳ tích sông Hồng.
Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, ngay từ bây giờ thành phố tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, nỗ lực thực hiện cho bằng được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo chuyển biến thực sự, xây dựng và phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
* Cụ thể hóa tới từng cấp, từng ngành
Ngày 6/1/2012, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Với Nghị quyết 15-NQ/TW, Bộ Chính trị đặt mục tiêu rõ ràng hơn, không chỉ phát triển Thủ đô, mà Hà Nội phải trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, điểm mới của thời gian thực hiện nghị quyết lần này là xác định mục tiêu phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (là thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước), các nghị quyết trước đây chỉ xác định phạm vi thời gian trong 10 năm. Điều đó đã nói lên sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, của các cấp, ngành và mong muốn của nhân dân cả nước đối với Thủ đô.
Để Nghị quyết 15-NQ/TW được cụ thể hóa, nhanh chóng đi vào cuộc sống, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU. Theo đó, Hà Nội xác định 4 mục đích, yêu cầu, các nhóm chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, năm 2030 và 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị, nhân dân Hà Nội, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô theo đúng mục tiêu, quan điểm mà Nghị quyết 15-NQ/TW đã đề ra.
Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội được cụ thể hóa bằng 130 nhiệm vụ, đề án được phân công thực hiện gắn với trách nhiệm cụ thể, rõ ràng và thời hạn hoàn thành tới từng cấp, từng ngành.
Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị, xã hội của thành phố tập trung quán triệt, tuyên truyền nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và trách nhiệm phát triển Thủ đô.
Hội thi tìm hiểu Nghị quyết-NQ/TW do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức theo hình thức thi trắc nghiệm trên nền tảng trực tuyến, sân khấu hoá, được triển khai rộng rãi tới cán bộ, đảng viên, nhân dân. Chỉ sau một thời gian ngắn, Cuộc thi đã có hơn 1 triệu lượt thí sinh thi tìm hiểu Nghị quyết 15-NQ/TW, qua đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới nghị quyết, cũng như sự lan tỏa sâu rộng tinh thần, nội dung Nghị quyết trong các tầng lớp nhân dân.
Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai cho rằng, Hội thi đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong việc nghiên cứu, học tập nghị quyết, thể hiện sự thống nhất cao trong nhận thức và quyết tâm chính trị của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại.
Ông Nguyễn Văn An, Bí thư Đảng ủy phường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị là sự quan tâm đặc biệt, đồng thời là niềm tin tưởng, kỳ vọng to lớn của Trung ương đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô.
Do đó, cùng với hệ thống tuyên giáo các cấp, Đảng ủy phường đã chủ động, tích cực, sáng tạo bằng nhiều hình thức trong tổ chức học tập, tuyên truyền đưa nghị quyết lan tỏa, thấm sâu đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân.
* Đoàn kết, trách nhiệm, xây dựng Thủ đô xứng tầm
Đồng hành cùng các cấp, các ngành của thành phố, Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội đang khẩn trương rà soát các quy hoạch liên quan đến việc triển khai Nghị quyết 15-NQ/TW, theo tinh thần chỉ đạo của Thành ủy.
Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, công tác quy hoạch sẽ là "chìa khóa" gợi mở nhiều nội dung khác về kinh tế, xã hội của Thủ đô.
Căn cứ định hướng của Bộ Chính trị và lãnh đạo thành phố, Sở đang tập trung điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với tinh thần quy hoạch theo hướng văn hiến, văn minh, hiện đại, giữ được văn hóa nông thôn Bắc Bộ gắn với làng nghề, di tích văn hóa, lịch sử... Dự kiến cuối năm 2023, quy hoạch tổng thể Thủ đô sẽ được hoàn tất, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Liên quan đến nội dung quy hoạch theo Nghị quyết 15-NQ/TW, tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 -2025, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, công tác quy hoạch phải dự báo được quy mô dân số trong tương lai, từ đó đề ra giải pháp đến năm 2030 khắc phục quá tải hạ tầng đô thị.
Mặt khác, tập trung quy hoạch thật tốt các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm để có sự phát triển hài hòa giữa thành thị và nông thôn; làm đậm hơn, rõ nét tính chất đối ngoại hội nhập quốc tế trong quy hoạch; bổ sung công trình văn hóa đã được nêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Nhận định Nghị quyết 15-NQ/TW là một bước ngoặt, thời cơ để kiến thiết thành phố trong tương lai, ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương cho rằng Hà Nội là trái tim của cả nước, nên hội tụ về đây là những công dân ưu tú của các vùng miền.
Đây là một lợi thế khác biệt của Hà Nội so với các tỉnh, thành phố khác. Do đó, khi triển khai Nghị quyết ở những công trình, phần việc quan trọng, thành phố cũng cần phải nghiêm túc lắng nghe góp ý phản biện của nhân dân, để thực hiện một cách hiệu quả.
Cũng theo ông Nguyễn Thế Kỷ, do Hà Nội có thế mạnh từ nguồn lực con người, lại đang trong thời kỳ xã hội chuyển đổi số, nên thành phố cần chọn phát triển theo hướng kinh tế số, văn hóa số, đô thị số và theo đuổi mục tiêu này cho đến cùng để đi đầu cả nước nước về xã hội số.
Tại Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết 15-NQ/TW, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí Thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh trách nhiệm việc thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW không chỉ của riêng Hà Nội, mà còn là trách nhiệm của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành. Vì thế, các ban, bộ, ngành cần có trách nhiệm chung trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, cũng như hỗ trợ nguồn lực phù hợp để Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Đề cập đến tinh thần đoàn kết để thực hiện thắng lợi Nghị quyết, đồng chí Võ Văn Thưởng cũng gợi mở, Hà Nội cần đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, làm sao để thật sự đoàn kết, trong sạch vững mạnh; tập hợp được sức mạnh, trí tuệ của toàn dân trong thực hiện Nghị quyết. Về bộ máy chính quyền, cần tổ chức tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, liên thông phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu quản lý phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới./. (Hết)
- Từ khóa:
- Nghị Quyết 15
- Thủ đô
- Hà Nội
- kỳ tích
- sông Hồng