Nhà lưu niệm thi nhân Đông Hồ là một di tích văn hóa, lịch sử lưu niệm danh nhân, một con người tài hoa của vùng đất thơ Hà Tiên những năm đầu thế kỷ XX.
TTXVN - Nhà lưu niệm thi nhân Đông Hồ được tỉnh Kiên Giang xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cơ sở pháp lý để bảo tồn, phát huy những tác phẩm, tư liệu, tài liệu liên quan đến nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết và là điều kiện để xây dựng nơi đây trở thành là một điểm đến tham quan, tìm hiểu “Văn hóa Hà Tiên” của giới nghiên cứu và người hâm mộ trong, ngoài nước.
Ông Nguyễn Đức Chín, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Tiên khẳng định, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hà Tiên sẽ quản lý, khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của thi nhân Đông Hồ - Mộng Tuyết. Thành phố đã đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 sửa chữa, trùng tu Nhà lưu niệm thi nhân Đông Hồ và phục dựng Trí Đức học xá với kinh phí 15 tỷ đồng, dự kiến công trình sẽ được triển khai thực hiện trong năm 2023. Song song đó, thành phố bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, kết hợp với tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân chung tay bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, góp phần xây dựng thành phố Hà Tiên trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch văn hóa - di sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Việc tôn tạo, trùng tu Nhà lưu niệm thi nhân Đông Hồ cùng với bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa khác trên địa bàn thành phố Hà Tiên là sự tôn vinh, trân trọng những thành quả lao động sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật mà các bậc tiền nhân tạo lập trên quê hương Hà Tiên. Vùng biên thùy Hà Tiên được ví là “Thập cảnh thiên phú”, với phong cảnh non nước hữu tình đã làm rung động giới văn nghệ sĩ, quy tụ nhiều văn nhân, thi sĩ về xứ thơ này để lại cho đời những áng văn chương lừng danh, độc đáo, qua đó góp phần quảng bá tiềm năng du lịch Hà Tiên, thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết phát triển du lịch của địa phương.
Vào ngày Rằm tháng Giêng năm Quý Mão (05/02/2023), nhân kỷ niệm 287 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các (1736 - 2023) tại thành phố Hà Tiên, Nhà lưu niệm thi nhân Đông Hồ được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Tư liệu lịch sử còn lưu, thi sĩ Đông Hồ tên thật Lâm Tấn Phác, sinh ra và lớn lên tại Hà Tiên, là nhà giáo, nhà văn hóa, nhà thơ danh tiếng thời cận đại của Việt Nam. Xuất thân là giáo học, thi sĩ Đông Hồ nghiên cứu sâu tiếng Việt, nhiệt thành với văn hóa dân tộc. Năm 1926, ông lập nhà nghĩa học bên bờ sông Đông Hồ (Hà Tiên) tại khu đất của gia đình lấy tên là “Trí Đức học xá” và tự ông làm trưởng giáo, dạy toàn tiếng Việt với mục đích “Dùng quốc văn để dạy con trẻ biết yêu nước nhà”. Trí Đức học xá xây dựng trước năm 1945, diện tích 1.200 mét vuông, là khu nhà ngói 5 gian và gian chính được dùng làm trường học, giảng dạy và một căn gác mái còn gọi là Gác Nam Phong - nơi nhà thơ Đông Hồ làm việc, làm thơ, viết văn, viết sách, viết báo…
Giới nghiên cứu và người ngưỡng mộ “Văn hóa Hà Tiên” nhấn mạnh, nói đến Đông Hồ, không thể không nói đến Mộng Tuyết, một người con của vùng đất Hà Tiên, một học trò xuất sắc của nhà thơ Đông Hồ, một người bạn đời và cũng là người bạn thơ của thi sĩ. Thơ Mộng Tuyết rất tinh tế, đa dạng, lay động lòng người với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau và từng được Tự lực Văn đoàn tặng bằng khen. Bên cạnh thơ, Mộng Tuyết còn viết ký, kịch, truyện ngắn, khảo cứu...
Bà Nguyễn Thị Minh Trang, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Hà Tiên chia sẻ, Nhà lưu niệm thi nhân Đông Hồ hay còn gọi là Đông Hồ thi nhân kỷ niệm đường là nơi lưu giữ những hình ảnh, di bút, sách báo về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của hai nhà thơ Đông Hồ và Mộng Tuyết. Nhà lưu niệm này có giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt của vùng đất Hà Tiên và đặc biệt hơn, đây từng là nơi nhà thơ Đông Hồ sáng lập “Trí Đức học xá” và được xem là trường tư thục đầu tiên dạy chữ quốc ngữ của tỉnh Kiên Giang.
Nhà lưu niệm thi nhân Đông Hồ, gồm: Khu trung tâm di tích được bố trí, vừa là nơi tiếp khách, vừa là nơi trưng bày các tác phẩm của nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết, với 1.144 quyển sách, 446 bức tranh, ảnh, 937 tờ báo, tạp chí và 1.485 quyển sách có giá trị của nhiều tác giả được lưu giữ tại đây, cũng như nhiều kỷ vật trong sinh hoạt đời thường của nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết. Khu thứ hai là khu nhà ở và các công trình phụ khác. Đây là nơi sinh hoạt của gia đình nhà thơ Đông Hồ và Mộng Tuyết lúc sinh thời. Khu này nối liền phía sau khu trưng bày.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Trang, Nhà lưu niệm thi nhân Đông Hồ được nữ thi sĩ Mộng Tuyết cùng người cháu là bà Nguyễn Thị Thanh Hoa sử dụng từ năm 1994 cho đến khi bà Mộng Tuyết mất vào năm 2007. Sau đó, bà Hoa tiếp tục trông nom, bảo quản di sản. Đến năm 2021, do tuổi cao sức yếu, bà Hoa thay mặt gia đình cùng con cháu của hai nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết bàn giao Nhà lưu niệm cho Nhà nước quản lý. UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 820/QĐ-UBND ngày 29/3/2021 về việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với Nhà lưu niệm Đông Hồ. Từ khi tiếp nhận đến nay, thành phố Hà Tiên đã quản lý, khai thác nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của hai nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết./.
- Từ khóa:
- Nhà lưu niệm
- thi nhân đông hồ
- Hà Tiên
- Kiên Giang