Tham nhũng trong khu vực công có ảnh hưởng qua lại với khu vực tư; tham nhũng đã cản trở các quyền tiếp cận chăm sóc sức khỏe và quyền tiếp cận giáo dục.
TTXVN- Hội thảo “Nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam” do Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Cơ quan hợp tác phát triển Nauy (Norad) tổ chức diễn ra ngày 26/12, tại Hà Nội.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ và nâng cao năng lực thực thi Công ước phòng, chống tham nhũng của Liên hợp quốc tại Việt Nam” do UNDP tại Việt Nam và Cơ quan hợp tác phát triển Nauy hỗ trợ. Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải và ông Patrick Haverman, Quyền Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Cục phòng, chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (INL); UNDP tại Việt Nam; lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương cùng 60 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động thực tiễn.
Tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta đã thể hiện rõ quyết tâm, nỗ lực rất cao trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, từ sau nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế.
Mặc dù nhận diện, phòng ngừa tham nhũng có ý nghĩa rất quan trọng và luôn gắn chặt chẽ với nhau, song việc nhận diện các hành vi tham nhũng và các biện pháp phòng ngừa tham nhũng ở khu vực công có liên quan đến khu vực tư ở nước ta là vấn đề khó. Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu công phu, kỹ lưỡng trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm nước ngoài, đặc biệt là một số lĩnh vực quan trọng liên quan tới các dịch vụ công cơ bản, như y tế hay giáo dục.
Việc tổ chức Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng trao đổi, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm thiết thực giúp cho Ban Nội chính Trung ương, các cơ quan hữu quan của Việt Nam có thêm thông tin, tài liệu để nghiên cứu, tham khảo phục vụ cho công tác tham mưu, hoạch định chính sách và hướng dẫn thực hiện cụ thể các vấn đề liên quan đến định hướng xây dựng một nền tư pháp liêm chính - ông Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo cho thấy, tại Việt Nam, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng đã được ban hành từ rất sớm nhằm nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực y tế và giáo dục, xác định các biện pháp phòng ngừa tham nhũng khá tương thích với các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo Công ước của Liên hợp quốc về Chống tham nhũng như: Hoàn thiện công tác cán bộ, chấn chỉnh hoạt động mua sắm tài sản công, xây dựng cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng, hay đẩy mạnh việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập… Đặc biệt, các chính sách cho thấy quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo quyết liệt “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Qua nghiên cứu nội dung Công ước của Liên hợp quốc về Chống tham nhũng và các kinh nghiệm quốc tế về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng thông qua lĩnh vực y tế và giáo dục cho thấy, tham nhũng trong khu vực công có ảnh hưởng qua lại với khu vực tư; tham nhũng đã cản trở các quyền tiếp cận chăm sóc sức khỏe và quyền tiếp cận giáo dục. Các kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy một số cách tiếp cận phòng ngừa tham nhũng hiệu quả và thực tiễn tốt trong hoạt động phòng ngừa tham nhũng ở khu vực công có liên quan đến khu vực tư trong lĩnh vực y tế và giáo dục.
Báo cáo đưa ra những khuyến nghị nhằm nhận diện các hành vi tham nhũng và nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nói chung cũng như trong lĩnh vực y tế và giáo dục nói riêng tại Việt Nam; các khuyến nghị khá toàn diện và có tính khả thi để góp phần nhận diện các vấn đề bất cập. Ngoài ra, một số khuyến nghị cụ thể nhằm tăng cường nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực y tế và giáo dục cũng được đề cập trong báo cáo.
Các ý kiến trao đổi tại Hội thảo tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư; thống nhất đánh giá, tham nhũng trong các lĩnh vực dịch vụ công cơ bản như y tế hay giáo dục có ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc bảo đảm các quyền cơ bản của công dân như quyền được chăm sóc sức khỏe và quyền được giáo dục. Đây là hai lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sự cường thịnh của một quốc gia trong hiện tại và tương lai; là các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nhân lực của một đất nước, đó là sức khỏe về thể chất, trí tuệ./.