Giáo sư-Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định trên các cương vị được giao, ông Phan Văn Khải luôn trăn trở, tìm tòi tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
TTXVN - Chiều 24/12, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Phan Văn Khải – Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của Thành phố Hồ Chí Minh”.
Dự và chủ trì hội thảo có Giáo sư-Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo là hoạt động thiết thực kỷ niệm 90 năm Ngày sinh ông Phan Văn Khải (25/12/1933-25/12/2023), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nhằm tri ân và tôn vinh cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp, vẻ vang của ông Phan Văn Khải, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước Việt Nam, người con ưu tú của Thành phố Hồ Chí Minh, đã phấn đấu, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ông Phan Văn Khải, sinh ngày 25/12/1933, tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh; tham gia cách mạng năm 1947. Tháng 7/1959, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Với hơn 70 năm hoạt động cách mạng, từ khi tham gia phong trào cách mạng đến khi đảm nhiệm cương vị đứng đầu Chính phủ, cuộc đời của ông gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Gần 40 bản báo cáo, tham luận cùng ý kiến phát biểu tại hội thảo của các lãnh đạo cơ quan ban, bộ, ngành Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh và các nhà khoa học đã tập trung làm sáng tỏ một số nội dung về con người và sự nghiệp cách mạng của ông Phan Văn Khải: quá trình chuyển biến từ người thiếu niên yêu nước trở thành người cán bộ lãnh đạo tài năng của Đảng; nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước Việt Nam; tấm gương người cộng sản kiên trung, hết lòng vì nước, vì dân; người con ưu tú của Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong phát biểu đề dẫn hội thảo, Giáo sư-Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định trên các cương vị được giao, từ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đến Thủ tướng Chính phủ, ông Phan Văn Khải luôn trăn trở, tìm tòi tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, góp phần cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng xã hội, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế, thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã có những phân tích, luận giải nêu bật hình ảnh ông Phan Văn Khải như một nhà lãnh đạo có tầm tư duy chiến lược trên ba phương diện: đối ngoại; phát triển doanh nghiệp; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.
Về đối ngoại, nổi bật là tham gia của ông Phan Văn Khải vào quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế với dấu ấn là “nhà lãnh đạo Việt Nam đầu tiên” của những chuyến thăm lịch sử như tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) (1998), thăm Hoa Kỳ (6/2005), tiến tới đưa Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Về phát triển doanh nghiệp, “tạo lập môi trường kinh doanh theo cơ chế thị trường và phát huy nội lực Việt Nam. Đó là một dấu ấn đặc biệt trong tư duy đột phá của ông Phan Văn Khải về phát triển doanh nghiệp”. Chúng ta thấy cả ba đột phá chiến lược này đều ghi dấu ấn trong tầm tư duy chiến lược của ông Phan Văn Khải Phó, Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Đình Phong nhấn mạnh
Ông Bùi Đình Phong cũng bày tỏ ấn tượng sâu sắc với bài phát biểu cuối cùng trên cương vị Thủ tướng Chính phủ của ông Phan Văn Khải trước Quốc hội, tháng 6/2006. “Ông đã nhận lỗi trước nhân dân, trước Đảng và Quốc hội về những khuyết điểm tồn tại trên cương vị của mình chưa giải quyết được và ông mong rằng người kế nhiệm sẽ rút ra được những điều bổ ích không chỉ qua những bài học thành công mà cả những yếu kém, thiếu sót của cá nhân ông và bộ máy Chính phủ trong thời gian qua. Đây cũng là một tư duy hiếm thấy mà không phải ai ở tầm lãnh đạo cũng có được”, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Đình Phong nhận định.
Nhấn mạnh hình ảnh ông Phan Văn Khải (ông Sáu Khải), một Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố luôn lo toan, trăn trở, tận tâm, nghiêm nghị nhưng đôn hậu, gần gũi, thân mật còn in đậm mãi trong ký ức của Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: ông Phan Văn Khải là vị Chủ tịch đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn công tác của Thành phố đi tham quan, học hỏi cách làm ăn của một số nước trong khu vực ASEAN, nhất là Singapore, ngay từ khi chưa có quan hệ hợp tác chính thức giữa các nước trong khu vực với Việt Nam. Ông Phan Văn Khải quan niệm đó là đi học, học kinh tế thị trường về để vực dậy nền kinh tế còn đang khốn khó trăm bề.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta học tập ông Phan Văn Khải ở tấm lòng tận tụy với công việc, với nhân dân; ở cách suy nghĩ, cách xử lý từ những điều đơn giản, đến những vấn đề phức tạp trong cuộc sống, công việc; quan trọng nhất là khi đứng trước những gian lao, thử thách không có lúc nào ông chao đảo, không có suy nghĩ thoái lui”./.