Xã hội

Nhân giống và phát triển 3 loài cây quý tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Thanh Hóa

Các kiểm lâm viên đã xây dựng dữ liệu cây trội đối với 3 loài Giổi lông, Vàng tâm, Mỡ thuộc họ Ngọc lan tại Khu bảo tồn để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, thử nghiệm nhân giống bảo tồn.

Vườn ươm nhân giống 3 loài cây quý tại Xuân Liên. 
Ảnh: TTXVN phát

Nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển các loài cây quý hiếm, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã triển khai nhiệm vụ khoa học "Điều tra, bảo tồn và phát triển các loài Giổi lông, Vàng tâm, Mỡ thuộc họ Ngọc lan tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa (2022-2024)".

Tới nay, kiểm lâm viên tại Khu bảo tồn đã trồng được 15.000 cây giống thuộc 3 loài trên tại vườn ươm; xây dựng được 2 mô hình rừng trồng tập trung với diện tích 3 ha tại thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân; mô hình rừng trồng bổ sung làm giàu rừng diện tích 15 ha tại xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân.

Ông Phạm Anh Tám, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên cho biết, các kiểm lâm viên đã tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng quần thể và đặc điểm phân bố tự nhiên, đặc điểm hình thái, tái sinh của 3 loài Giổi lông, Vàng tâm, Mỡ thuộc họ Ngọc lan tại Khu bảo tồn; đồng thời, xây dựng dữ liệu cây trội đối với 3 loài để trình cấp thẩm quyền phê duyệt, thử nghiệm nhân giống bảo tồn, làm cơ sở phục vụ hoạt động quản lý, bảo tồn và phát triển nguồn gen.

Cây Giổi lông, thuộc họ Ngọc Lan tại Xuân Liên. 
Ảnh: TTXVN phát

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân quanh vùng về bảo tồn 3 loài Giổi lông, Vàng tâm, Mỡ thuộc họ Ngọc lan và các giá trị đa dạng sinh học tại 12 thôn giáp ranh khu bảo tồn; thực hiện báo cáo chuyên đề, phân tích điều tra đánh giá hiện trạng quần thể và đặc điểm phân bố tự nhiên 3 loài, thực hiện chọn 150 cây trội để phục vụ nhân giống và lên phương án nhân rộng mô hình trồng rừng tập trung 3 loài trên.

Hiện Ban Quản lý thực hiện được 2 mô hình gồm: Trồng rừng tập trung trên diện tích 3,0 ha/3 loài, với mật độ 1.000 cây; Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung với diện tích 15,0 ha/3 loài, mỗi loài trồng 500 cây/ha. Thời gian tới, kiểm lâm viên của Khu bảo tồn sẽ tiếp tục điều tra, nghiên cứu, trồng nhân giống, qua đó tìm ra phương án bảo tồn các loài cây quý này.

Kiểm lâm đang điều tra loài cây quý tại Xuân Liên.
 Ảnh: TTXVN phát

Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu bảo tồn nhiên nhiên Xuân Liên, loài Giổi lông (Michelia balansae) là cây thân gỗ, cao 8 - 15m, đường kính 40cm, lá noãn nhiều, quả kép, cây ra hoa tháng 4 - 5, có quả tháng 9 - 10. Đây là loài cây có gỗ tốt, ít bị mối mọt, dùng trong xây dựng nhà cửa, đóng đồ, làm hàng mỹ nghệ. Hạt dùng làm gia vị. Cây đã có tên trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007. Tại Việt Nam, cây mọc tại các khu rừng ẩm thuộc các tỉnh tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Bình…

Loài Vàng tâm (Manglietia dandyi) là cây thân gỗ cao 18 - 20m, đường kính 70-80cm. Cành và lá non có lông tơ màu nâu, quả hình trứng hay tròn, cây thường mọc trong rừng nguyên sinh tại các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang… Cây có tên trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007. Loài cây này thường được khai thác lấy gỗ, gỗ không bị mối mọt, dùng trong xây dựng nhà cửa, đóng đồ gia dụng, làm đồ mỹ nghệ, khắc, tiện, tạc tượng. Trong y học, vỏ, rễ và quả cây có thể dùng làm thuốc, uống trị táo bón, ho khan ở người già,

Cây Mỡ, thuộc họ Ngọc Lan tại Xuân Liên. 
Ảnh: TTXVN phát

Còn loài Mỡ (Manglietia conifera) là cây thân gỗ cao 20-25m, thân thẳng, tròn, tán hình chóp. Cây mọc rải rác trong các rừng nguyên sinh hoặc thứ sinh ở một số tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Cây thường dùng để lấy gỗ, gỗ dùng trong xây dựng và đóng đồ nội thất.

Việc thực hiện nhiệm vụ khoa học "Điều tra, bảo tồn và phát triển các loài Giổi lông, Vàng tâm, Mỡ thuộc họ Ngọc lan tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa (2022-2024)" sẽ giúp Ban Quản lý Khu bảo tồn đưa ra các giải pháp để bảo tồn, phát triển quần thể các loài cây quý hiếm và cũng là cơ sở thông tin dữ liệu quan trọng để nhân rộng mô hình trồng, chăm sóc 3 loài này có hiệu quả tại các thôn, bản vùng đệm trong thời gian tiếp theo./.

Nguyễn Đình Nam

Xem thêm