Với vị trí và điều kiện tự nhiên đặc thù, Việt Nam có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, độc đáo, được biết đến là một trung tâm đa dạng sinh học của thế giới với các hệ sinh thái tự nhiên phong phú và đa dạng; nhiều loài hoang dã, đặc hữu quý hiếm; nhiều nguồn gen có giá trị.
Ngày 5/6, tại Hà Nội, Viện Địa lý nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo "Bảo vệ môi trường các di sản thiên nhiên theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020". Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững đất nước; thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2024. Hội thảo thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia và cán bộ trong lĩnh vực môi trường; đồng thời, tạo diễn đàn để thảo luận, chia sẻ những biện pháp thiết thực nhằm bảo vệ và phát triển bền vững các di sản thiên nhiên quý báu của đất nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, khẳng định trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng. Việt Nam đã tham gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới từ năm 1982 với nhiều hoạt động ý nghĩa để bảo vệ môi trường. Cho biết năm 2024, chủ đề của Ngày Môi trường thế giới là "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa", Tiến sỹ Phan Chí Hiếu đánh giá, chủ đề năm nay nhằm kêu gọi các quốc gia chung tay bảo vệ hệ sinh thái, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực. Tiến sỹ Phan Chí Hiếu cũng khẳng định vai trò của khoa học xã hội trong việc đề xuất các nghiên cứu và tư vấn chính sách về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; kêu gọi cán bộ, viên chức và người lao động chung tay thực hiện các hành động thiết thực như giảm thiểu sử dụng túi ni lông, phân loại và tái chế rác thải, trồng cây xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.
Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn, Tiến sỹ Nguyễn Song Tùng cho biết, với vị trí và điều kiện tự nhiên đặc thù, Việt Nam có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, độc đáo, được biết đến là một trung tâm đa dạng sinh học của thế giới với các hệ sinh thái tự nhiên phong phú và đa dạng; nhiều loài hoang dã, đặc hữu quý hiếm; nhiều nguồn gen có giá trị. Tuy nhiên, những năm gần đây, các hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học của Việt Nam đang bị suy giảm với tốc độ rất nhanh. Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó khái niệm, phân loại và các tiêu chí của di sản thiên nhiên được quy định tại Điều 20. Luật Bảo vệ môi trường cũng yêu cầu các chủ dự án đầu tư phải thực hiện đánh giá tác động môi trường đến di sản thiên nhiên.
Thực tiễn những năm qua cho thấy, các di sản thiên nhiên đã góp phần quan trọng trong phát triển du lịch. Đến nay, Việt Nam đã có 9 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới, trong đó có 5 di sản văn hóa, 3 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp. Ngoài ra, UNESCO đã vinh danh 3 công viên địa chất toàn cầu, đó là Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng và Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông. Hiện 3 công viên địa chất toàn cầu này đã trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Sự ghi nhận của UNESCO không chỉ tiếp tục góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam mà còn tiếp thêm động lực biến “sức mạnh mềm” đó thành nguồn lực nội sinh quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và sự phát triển bền vững của đất nước ta.
Tiến sỹ Trần Ngọc Cường (nguyên Trưởng phòng Sinh thái - Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có quy định cụ thể về bảo vệ môi trường đối với di sản thiên nhiên. Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng thực hiện trong vùng lõi của di sản thiên nhiên hoặc có sử dụng đất của vùng lõi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của vùng đệm của di sản thiên nhiên phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, trong đó có đánh giá chuyên đề về tác động tới thiên nhiên, đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cũng theo Tiến sỹ Phạm Thị Trầm (Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), di sản thiên nhiên của Việt Nam rất đa dạng và là nguồn vốn tự nhiên quý giá, cung cấp nhiều dịch vụ hệ sinh thái có giá trị cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đời sống của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, nguồn vốn tự nhiên này đang bị suy giảm do tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; do vậy, cần có những hướng dẫn kỹ thuật đánh giá tác động môi trường chi tiết của dự án đầu tư đến di sản thiên nhiên nhằm đáp ứng các yếu tố pháp lý, khoa học và thực tiễn.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về sự cần thiết của các địa phương sở hữu di sản thiên nhiên thế giới ở Việt Nam trong việc xác định bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch. Các đại biểu đưa ra kiến nghị, đề xuất tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý trong quản lý di sản; tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đào tạo, nâng cao năng lực của cán bộ quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đối với công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản./.