Ninh Thuận: Nhiều giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em
Tình trạng trẻ em bị đuối nước vẫn diễn ra thường xuyên, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường các giải pháp giảm thiểu tình trạng này.
TTXVN- Sáng 3/5, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị chuyên đề "Đánh giá, phân tích nguyên nhân và đề ra giải pháp hạn chế tình trạng tai nạn thương tích, đặc biệt đuối nước ở trẻ em và học sinh". Hội nghị thu hút hơn 130 đại biểu từ các sở, ban, ngành và địa phương tham dự.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận cho biết, những năm qua cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em nói riêng của tỉnh đã được triển khai rất tích cực. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị đuối nước vẫn còn diễn ra thường xuyên, đặc biệt mùa hè - thời điểm số vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em có xu hướng gia tăng. Từ năm 2023 đến hết tháng 3/2024, toàn tỉnh đã xảy ra 35 vụ tai nạn thương tích trẻ em, làm tử vong 38 em, trong đó tử vong do đuối nước là 30 em.
Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, thực trạng trên đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường các giải pháp đủ mạnh và quyết liệt để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em, nâng cao nhận thức của người lớn và trẻ em trong việc nhận diện các nguy cơ mất an toàn đối với trẻ. Từ đó có kiến thức, kỹ năng, giải pháp sát thực tế để phòng, tránh, hạn chế tối đa các trường hợp tai nạn thương tích do đuối nước.
Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện các sở, ngành và địa phương đã tập trung phân tích, đánh giá thực trạng, tỷ lệ thương tích, đặc biệt là đuối nước ở trẻ em và học sinh; chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp mang tính khả thi, chính sách hỗ trợ phòng, chống đuối nước trẻ em phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Chia sẻ thông tin tại Hội nghị, bà Lê Thái Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận cho biết, năm học 2023 - 2024 toàn tỉnh có 297 cơ sở giáo dục với tổng số học sinh bậc mầm non và phổ thông là 147.876 em. Ngành Giáo dục đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục lồng ghép nội dung giáo dục ý thức, kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống tai nạn đuối nước trong các hoạt động giáo dục của nhà trường, trong các giờ thể dục, các buổi sinh hoạt chuyên đề. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh trước, trong và sau các dịp lễ, nghỉ hè.
Lãnh đạo ngành Giáo dục tỉnh Ninh Thuận cũng yêu cầu các trường học đã trang bị bể tập bơi tiếp tục hoàn thiện, duy trì và xây dựng kế hoạch tổ chức dạy bơi kết hợp các kỹ năng an toàn khi bơi cho trẻ em, học sinh trong và ngoài nhà trường bằng các hình thức phù hợp. Cùng đó, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo động lực thu hút học sinh tích cực tham gia phòng, tránh tai nạn đuối nước; khuyến khích vận động xã hội hóa để tổ chức dạy bơi cho trẻ em, học sinh trên địa bàn.
Nhằm hạn chế tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em, học sinh, thời gian tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với ngành Giáo dục, Công an, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ các cấp đẩy mạnh triển khai các chương trình, các lớp hướng dẫn kiến thức, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước.
Các ngành, đơn vị liên quan của tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em trong môi trường gia đình - nhà trường - xã hội, trong đó lấy gia đình làm gốc trong việc phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước. Các huyện, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm phát triển các kỹ năng toàn diện cho trẻ em, học sinh trên địa bàn./.