Tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị để các chủ thể sản xuất xây dựng, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm bền vững.
TTXVN - Ngày 3/5, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề "Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh với nông dân" năm 2024.
Hội nghị đã có gần 30 câu hỏi của các cử tri gửi đến đại biểu Hội đồng nhân dân, tập trung vào các vấn đề như: khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; liên kết, liên doanh hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững và việc triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn tỉnh.
Trả lời cử tri về việc người dân chưa tiếp cận được nhiều với nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Văn Thạch cho biết, tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện Nghị quyết từ năm 2021- 2023 là gần 30 tỷ đồng, giải ngân được được gần 25 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị được giao vốn đã tiến hành rà soát nhu cầu kinh phí đối với các cá nhân, hộ gia đình để bố trí kinh phí hỗ trợ lãi suất mua con giống trâu, bò cái sinh sản; trâu, bò vỗ béo, bò sữa, lợn cái sinh sản; xây dựng mới chuồng trại, di rời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà ở; trồng cỏ, cây trồng để phục vụ chăn nuôi; nuôi trồng các loại thủy sản đặc hữu của địa phương…
Thời gian tới, các địa phương chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch hỗ trợ cụ thể đảm bảo đúng đối tượng, đúng nhu cầu; vận động người dân tham gia có hiệu quả; sáng tạo, linh hoạt trong cách làm để nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả trong cuộc sống.
Về việc đơn giản hóa thủ tục công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP…, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng cho rằng, việc đơn giản hóa thủ tục trong bộ hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm OCOP, đơn giản hóa đối với các chỉ tiêu không bắt buộc trong bộ tiêu chí đánh giá không thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh. Các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP phải đáp ứng các tiêu chí của Chương trình OCOP theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị để các chủ thể sản xuất xây dựng, mở rộng vùng nguyên liệu, xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm bền vững, hiệu quả…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng Nông Thanh Tùng đánh giá cao những kết quả của tổ chức Hội Nông dân, cán bộ, hội viên và nông dân. Tuy nhiên, hiện nay nông dân cũng còn gặp một số khó khăn như: cơ cấu lao động đang chuyển dịch nhanh từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ; lao động nông thôn có xu hướng già hóa. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa tìm được thị trường tiêu thụ; sản xuất con nhỏ lẻ, manh mún…
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành có liên quan cần nâng cao nhận thức, hỗ trợ nông dân chuyển đổi tư duy từ phát triển nông nghiệp theo đuổi số lượng sang tăng giá trị, hiệu quả, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, chi phí xã hội, làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó là hỗ trợ nông dân vấn đề pháp lý, hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong nông nghiệp. UBND tỉnh, các sở, ngành tăng cường hỗ trợ nông dân cả về phương thức sản xuất và định hướng ngành nghề; liên kết sản xuất thông qua việc hướng dẫn xây dựng các mô hình tổ, nhóm nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã; đẩy mạnh tổ chức các hội chợ, xây dựng các trung tâm OCOP nhằm trưng bày, giới thiệu, quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…/.