Xã hội

Nuôi dưỡng cảm hứng, tài năng nghệ thuật cho trẻ em khuyết tật Hà Nội

Hà Nội

“Liên hoan giao lưu cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023" là sân khấu nghệ thuật của gần 300 thiếu nhi đến từ 11 trường, làng, trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Nội.

Trẻ em khuyết tật TP Hà Nội tự tin biểu diễn trên sân khấu giao lưu ngày 16/4 tại Cung Thiếu nhi Hà Nội. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Sáng 16/4, tại Hà Nội, Cung Thiếu nhi Hà Nội (Thành đoàn Hà Nội) đã tổ chức “Liên hoan giao lưu cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023" với sự tham gia của các trường, làng, trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Nội. Đây là một hoạt động thiết thực nhằm chung tay giúp trẻ em khuyết tật có cơ hội được thể hiện khát vọng, ước mơ bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Tham gia liên hoan, trẻ em khuyết tật được hòa mình trong các hoạt động tập thể, qua đó tiếp thêm nghị lực để vượt qua số phận và hòa nhập với xã hội.

Phó Giám đốc phụ trách Cung Thiếu nhi Hà Nội Võ Thị Thanh Diệp phát biểu. (Ảnh: TTXVN phát)

Bà Võ Thị Thanh Diệp, Phó Giám đốc phụ trách cung Thiếu nhi Hà Nội khẳng định, hướng đến Ngày người khuyết tật  Việt Nam (18/4), chương trình giao lưu nghệ thuật là hoạt động mang tính nhân văn dành cho trẻ em khuyết tật của thành phố Hà Nội. Sự kiện thể hiện sự quan tâm đối với trẻ em khuyết tật, góp phần chia sẻ, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em khuyết tật chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.

Tiết mục nhảy dân vũ Trái đất này là của chúng mình do các em Trường Giáo dục trẻ khuyết tật Sóc Sơn biểu diễn. (Ảnh: TTXVN phát)

Tại liên hoan, gần 300 em nhỏ khuyết tật đến từ 11 trường, làng, trung tâm bảo trợ xã hội ở Hà Nội đã tham gia trình diễn các tiết mục nhảy, múa, đàn, hát, kịch. Những thiếu nhi của Trung tâm Alber Einstein có màn hòa tấu bản "O slole Mio – Trống cơm"; học sinh khiếm thính, khiếm thị Trường Trung học cơ sở Xã Đàn góp mặt với 2 tiết mục múa "Hello Việt Nam" và "Nơi đảo xa". Các em Trường Giáo dục trẻ khuyết tật Sóc Sơn thể hiện sôi động màn dân vũ "Trái đất này là của chúng mình".

Rất đông khán giả đến cổ vũ cho chương trình nghệ thuật của các em khuyết tật. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong chương trình, em Nguyễn Khắc Hưng đã trình diễn màn giữ thăng bằng với bóng, xe đạp một bánh. Em sinh năm 2009 tại Hà Tĩnh, là trẻ tự kỷ nặng. Ngoài những yếu thế về vận động, Khắc Hưng cũng không thể nói khi đã hơn 10 tuổi. Nhờ sự nỗ lực cố gắng của bản thân và sự giúp đỡ, huấn luyện của các bác sỹ, thầy cô, Nguyễn Khắc Hưng đã có một hành trình từ một cậu bé "đáng thương" trở thành một "tấm gương", từ trẻ tự kỷ nặng thành Kỷ lục gia giữ thăng bằng và tung bóng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác nhận vào năm 2022. Kỷ lục gia nhỏ tuổi Khắc Hưng đã truyền cảm hứng đến nhiều trẻ em khuyết tật và trở thành một tấm gương vượt khó để hòa nhập cuộc sống.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng (Trường Giáo dục trẻ khuyết tật Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ: Tham gia Liên hoan giao lưu, 22 em thiếu nhi khuyết tật đã mạnh dạn lên sân khấu thể hiện những điệu nhảy truyền tải thông điệp, mong ước của các em. 

Các đơn vị tham dự nhận giải tại chương trình. (Ảnh:TTXVN phát)

Bên cạnh trình diễn nghệ thuật, các em nhỏ còn được vui chơi, thể hiện khả năng bản thân trong những trò vận động, được các y bác sỹ của Bệnh viện Nhi Trung ương, Phòng khám răng Times Smiles khám, tư vấn sức khỏe; nhận quà...

Theo đánh giá của Ban tổ chức, liên hoan diễn ra trong không gian ấm cúng và đậm màu sắc nghệ thuật. Các nội dung tham gia đều có tính tuyên truyền, giáo dục trẻ nhỏ hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Sự kiện đã góp thêm tiếng nói, hành động cụ thể để chung tay chăm lo cho trẻ em khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Nội./.


Ngọc Bích




Xem thêm