Nhờ chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện chữa cháy, khoảng trên 70% vụ việc đã được lực lượng cơ sở, quần chúng nhân dân phát hiện xử lý kịp thời ngay khi mới phát sinh.
TTXVN - Thành phố Hà Nội luôn chú trọng để thực hiện hiệu quả kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và gần đây là Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn. Đây luôn là vấn đề bức thiết diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại địa bàn Thủ đô Hà Nội.
* 70% vụ việc được xử lý kịp thời
Tình hình cháy nổ trên địa bàn Thủ đô đã được kiểm soát, kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ 2022 (số vụ, số vụ cháy lớn, thiệt hại về người và tải sản). Nhờ chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện chữa cháy, khoảng trên 70% vụ việc đã được lực lượng cơ sở, quần chúng nhân dân phát hiện xử lý kịp thời ngay khi mới phát sinh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Tình hình cháy, nổ tuy đã được kéo giảm về cả số vụ và thiệt hại nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, vẫn xảy ra một số vụ cháy thương tâm, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Thành phố đã rất quyết liệt, đi đầu trong công tác xử lý các công trình tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, đến nay, số lượng công trình vi phạm chưa được nghiệm thu về Phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Hà Nội còn cao. Việc phối hợp giữa các ngành trong một số lĩnh vực có những thời điểm chưa được chặt chẽ, có biểu hiện né tránh trách nhiệm. Một số địa phương còn có tình trạng “buông lỏng” trong quản lý, để tình trạng công trình xây dựng sai phép, không phép, xây dựng trên đất lấn chiếm, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện...
Phần lớn các loại hình này đều không đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, là nguy cơ và nguyên nhân dẫn đến cháy, cháy lan, cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng; việc xây dựng Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, điểm chữa cháy công cộng đạt tỷ lệ cao tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí theo chỉ đạo của Bộ Công an, dẫn đến chưa phát huy được hiệu quả nhu mong muốn.
Một bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cấp xã chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, chưa thực sự quan tâm vào cuộc, cá biệt còn giao khoán công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng công an; nhiều cán bộ, đảng viên còn yếu kém trong nhận thức, tư duy trong công tác đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Trước tình hình trên, UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu lãnh đạo các cấp, các đơn vị phải nhìn nhận, đánh giá, tự soi, tự xét lại chính tại đơn vị mình; phải loại bỏ ngay tư duy “khoán trắng” công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cơ quan Công an; phải thống nhất về nhận thức và thấm nhuần tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là phải xác định lấy người dân là trung tâm, là chủ thể của công tác này, mọi hoạt động của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm các quyền lợi cho người dân, có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân; an toàn cháy, nổ để phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của Thủ đô và đất nước.
* Xử phạt nghiêm minh 100% hành vi vi phạm
Cơ quan chức năng sẽ xử phạt nghiêm minh 100% hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong quá trình kiểm tra theo quy định.
Song song với việc triển khai hai mô hình "Tổ liên gia" và "Điểm chữa cháy công cộng", thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo triển khai 4 mô hình đảm bảo trước 15/12/2023 hoàn thành đúng theo Kế hoạch của UBND thành phố, gồm: “Khu chung cư, tập thể an toàn phòng cháy, chữa cháy”, “Cụm liên kết làng nghề an toàn”, “Cụm liên kết an toàn trong khu/cụm Công nghiệp”, “Cụm liên kết an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng”.
Tới đây, thành phố tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với 100% hộ dân, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; đôn đốc, hướng dẫn chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh bố trí, sắp xếp vật tư, hàng hóa, dây chuyền công nghệ, thiết bị máy móc trong khu vực sản xuất, kinh doanh, kho chứa bảo đảm yêu cầu về ngăn cháy lan, thoát nạn, nhất là việc thoát nạn từ các tầng phía trên ra ngoài nhà, quản lý chặt chẽ trong sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ; thường xuyên tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy; khắc phục các tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiến nghị.
UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện đẩy nhanh hướng dẫn cho 100% tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn. Nghiên cứu phát động tổ chức thực tập phương án đồng loạt trên địa bàn vào buổi tối Chủ nhật ngày 10/9/2023 tạo hiệu ứng, tính lan tỏa trong cộng đồng và đồng bộ với toàn quốc. Phối hợp với Ban quản trị nhà chung cư, đơn vị quản lý nhà tập thể tổ chức thực tập tình huống chữa cháy, thoát nạn tại cơ sở.
Thành phố sẽ tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho người dân thông qua tập huấn tại trường học, cơ sở, lồng ghép trong kiểm tra, xây dựng mô hình an toàn phòng cháy, chữa cháy, sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố, quét mã QR Code, tin nhắn Zalo, SMS... . Thành phố dự kiến đến 30/9/2023, có 50% hộ gia đình ít nhất có một người được tập huấn về kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn và đến 31/12/2023 hoàn thành 100% gia đình trên toàn thành phố đều có người được tập huấn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
UBND thành phố đề nghị các cá nhân, tổ chức tạo bước chuyển trong nhận thức và hành động; yêu cầu, các đơn vị, địa phương nào không hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ trong việc triển khai các Kế hoạch của UBND thành phố về phòng cháy, chữa cháy thì Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức kiểm điểm, xem xét làm rõ trách nhiệm, đề xuất hình thức xử lý thích đáng; đồng thời đánh giá vào thi đua cuối năm của người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ huy phụ trách; tuyệt đối không xem xét, đề xuất các danh hiệu thi đua, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không đảm bảo chỉ tiêu theo chỉ đạo của UBND thành phố./.
- Từ khóa:
- Phòng cháy
- chữa cháy
- Hà Nội