Trong 6 tháng đầu năm 2023, địa bàn tỉnh Hà Nam xảy ra 3 vụ cháy, không gây thiệt hại về người.
TTXVN - Ngày 27/7, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023, Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 5/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới; việc hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã được cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cơ bản đồng bộ, hiệu quả. Công tác kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được chú trọng, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, địa bàn tỉnh Hà Nam xảy ra 3 vụ cháy, không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh Hà Nam còn nhiều tồn tại, khó khăn, do một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy. Nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của một bộ phận người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh và người dân còn hạn chế, chưa nghiêm túc; còn tâm lý chủ quan, lơ là, xem nhẹ công tác phòng cháy, chữa cháy tại nơi ở, nơi sản xuất, kinh doanh.
Nhằm tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trần Xuân Dưỡng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, phòng chống tai nạn, đuối nước; tập huấn cho các cơ quan quản lý, chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở, người dân kiến thức pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy, trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc công tác: thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy dự án, công trình; kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở, bảo đảm quyết liệt, toàn diện, khách quan và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, Công an tỉnh rà soát, kiểm tra, phân loại các cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy không đáp ứng yêu cầu; xử lý 100% hành vi vi phạm, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở không bảo đảm điều kiện theo quy định; thường trực sẵn sàng chiến đấu, chủ động trong mọi tình huống liên quan đến cháy, nổ, tai nạn, sự cố, không để bị động, bất ngờ.
UBND tỉnh Hà Nam giao Công an tỉnh tổ chức rà soát, phân loại, đánh giá thực trạng, mức độ nguy hiểm cháy, nổ của các cơ sở để hướng dẫn khắc phục tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn cơ sở còn tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy (không thuộc trường hợp tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định); xây dựng các phương án, giải pháp thay thế, bổ sung, tăng cường bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy trong quá trình hoạt động.
Cùng với đó, Hà Nam yêu cầu các cơ sở cam kết bằng văn bản về thời hạn khắc phục các tồn tại, vi phạm và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ; duy trì đường dây nóng để chủ động tiếp nhận thông tin, hướng dẫn việc thực hiện tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ./.
- Từ khóa:
- Hà Nam
- quản lý nhà nước
- phòng cháy
- chữa cháy