Mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng trong thống nhất của văn hóa Việt Nam; tạo nên sức mạnh nội sinh của đất nước.
TTXVN - Ngày 15/4, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Văn hóa các dân tộc Việt Nam nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” tại Hà Nội.
Đây là hoạt động điểm nhấn trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) năm 2023 do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Đất nước ta có một nền văn hóa đặc sắc, lâu đời, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của 54 dân tộc anh em; tạo nên lịch sử dựng nước và giữ nước qua hàng ngàn năm. Mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng trong thống nhất của văn hóa Việt Nam. Đó là yếu tố để làm nên sức mạnh nội sinh, tổng hợp sức mạnh quốc gia và tạo sự hấp dẫn của nền văn hóa Việt Nam, góp phần định vị bản sắc văn hóa nước ta trên trường quốc tế.
Thực tiễn cho thấy, văn hóa là yếu tố quyết định đến sự phát triển con người toàn diện, làm nên tinh thần xã hội tiến bộ, lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, chống lại sự đồng hóa. Văn hóa giúp xây dựng và bảo vệ chủ quyền quốc gia, mang lại hạnh phúc cho nhân dân.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Hơn ai hết, chúng ta phải nhận thức một cách đầy đủ rằng, một quốc gia không chỉ cần có quân đội mạnh, có một nền kinh tế vững mà cần mạnh cả về văn hóa. Chính văn hóa tạo ra môi trường cho dân chủ phát triển, thúc đẩy công bằng, củng cố mối quan hệ đoàn kết dân tộc.
Một xã hội được coi là văn minh nhất định phải được xây dựng trên một nền tảng văn hóa có tinh thần xã hội tiến bộ, nhân văn, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta có chủ trương đẩy mạnh phát triển văn hóa trong chính trị và phát triển văn hóa trong kinh tế nhằm hướng đến xây dựng nền chính trị lành mạnh, chống lại sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa, đạo đức, hướng đến vì con người, cộng đồng, dân tộc. Đồng thời, trên bình diện đối ngoại quốc tế, chúng ta đang tăng cường quảng bá, giới thiệu sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa các dân tộc Việt Nam ra thế giới.
Từ đó, nước ta từng bước thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hóa, thể hiện sức sáng tạo, khả năng chuyển hóa các nguồn lực văn hóa dồi dào trong cộng đồng các dân tộc để phát huy sức mạnh mềm văn hóa, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, việc khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa của cộng đồng các dân tộc là công việc cần làm, theo hướng bền vững và thực hiện từng bước, từng nhiệm vụ có trọng tâm trọng điểm...
Ban Tổ chức hội nghị đã nhận được 58 tham luận của các đại biểu cùng nhiều ý kiến thảo luận chất lượng tại diễn đàn.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Châm, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ: Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số cư trú ở khắp các vùng miền trên cả nước tạo nên sự đa dạng và giàu có cho văn hóa các tộc người. Mỗi dạng biểu đạt văn hóa của tộc người lại tạo ra nguồn lực văn hóa khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Phương Châm nêu rõ: Sẽ không có một nguồn lực văn hóa nào được xem là quan trọng, cốt lõi nhất, chi phối hay lấn át nguồn lực khác mà tùy thời điểm, điều kiện, bối cảnh cụ thể sẽ đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của cộng đồng. Ví dụ với người Mông, Lô Lô ở thung lũng Sủng Là, Hà Giang, cảnh quan bản làng với những cánh đồng hoa tam giác mạch, nhà cổ, trang phục, ẩm thực và tiếng khèn đang là nguồn lực văn hóa trong phát triển hiện nay. Với người K’Ho ở Lạc Dương, Lâm Đồng, sinh hoạt cồng chiêng, rượu cần, thổ cẩm, các câu chuyện huyền thoại dưới chân núi Lang Biang đang là nguồn lực văn hóa cơ bản giúp cho cộng đồng này phát triển...
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Bình đến từ Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng: Nhiều năm qua, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chính sách, chương trình, dự án bảo tồn bản sắc văn hóa, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số đã được ban hành và triển khai rất tích cự, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng.
Nhiều lễ hội cổ truyền được phục dựng; tập tục cổ của các tộc người được chú ý khai thác vận dụng. Vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng họ được phát huy; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng của các dân tộc thiểu số được phát sóng; nhiều tài liệu tuyên truyền, cổ động bằng chữ viết của các dân tộc thiểu số được phát hành.
Những cố gắng đó đã góp phần đáng kể phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền núi và dân tộc trong nhiều năm qua. Tuy vậy, do tác động của hội nhập, phát triển kinh tế thị trường, hiện nay bản sắc văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đang đứng trước những thách thức lớn.
Đáng chú ý, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Bình nêu rõ: Văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc có dân số ít (từ 20.000 người trở xuống) đang trong quá trình mai một. Ngôn ngữ của một số tộc người đang bị đẩy đến nguy cơ tiêu vong. Phạm vi giao tiếp của các ngôn ngữ đó ngày càng bị thu hẹp dần, thậm chí nhiều ngôn ngữ chỉ còn được sử dụng trong gia đình.
Tình trạng song ngữ, đa ngữ phổ biến trong tất cả các dân tộc thiểu số. Nhiều tộc người ngoài tiếng mẹ đẻ, họ có thể sử dụng thành thạo 2-3 ngôn ngữ khác, trong đó có tiếng Việt, tiếng Thái, tiếng Tày, tiếng Ba Na. Hiện tượng này đang gây sự bất ổn đối với sự sinh tồn tiếng mẹ đẻ của các dân tộc thiểu số...
Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định: Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, coi văn hóa các dân tộc Việt Nam là nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc chính là khẳng định sự phong phú đa dạng trong sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đó là một nền văn hóa lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tinh thần, nhằm mục tiêu xây dựng con người - nguồn lực cơ bản nhất trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.../.