Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện hiệu quả Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, mang lại cơ hội lớn cho phụ nữ phát triển kinh tế.
TTXVN - Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện giúp phụ nữ phát triển kinh tế, góp phần tích cực vào chuyển dịch kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng…
* Nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 939 là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy phụ nữ tham gia tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế gia đình, làm chủ doanh nghiệp trên các lĩnh vực, nâng cao vai trò bình đẳng giới của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế.
Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh ra Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án 939 của tỉnh, trong đó có nội dung bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương, ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho vay hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; tham mưu, đề xuất chính sách với Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định rõ mức vay tối đa cho mỗi dự án là 2 tỷ đồng, thời hạn vay tối đa là 5 năm, lãi suất ưu đãi 5%/năm (thấp hơn mức lãi suất cho vay hộ nghèo).
Hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh doanh trong tỉnh được thực hiện ở nhiều quy mô, phù hợp từng loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh. Tỉnh đã lồng ghép hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong các chương trình, đề án đang triển khai tại địa phương, đề ra các chương trình cụ thể như: hỗ trợ về tiếp cận thị trường thông qua tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Các chương trình còn giúp giới thiệu đối tác, nhà đầu tư, hỗ trợ thủ tục cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước thông qua các đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tiếp cận thị trường thế giới.
Qua 6 năm thực hiện Đề án 939, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh đã tiếp nhận hơn 1.000 ý tưởng phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; gần 200 dự án phụ nữ khởi nghiệp được vay vốn từ nguồn ngân sách địa phương uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số hơn 90 tỷ đồng được giải ngân. Các dự án khởi nghiệp góp phần tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động tại địa phương (trong đó có 781 lao động nữ), 70% số dự án được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh có mức tăng trưởng lợi nhuận tăng từ 3 - 6 lần so với khi chưa được hỗ trợ từ đề án.
Các biện pháp rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính được tỉnh thực hiện nhằm tạo thuận lợi trong tiếp cận đất đai, thuê mặt bằng theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng phát triển và ý tưởng đổi mới sáng tạo; khuyến khích, ưu đãi đối với doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận thông tin pháp luật, hạn chế các rủi ro trong kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.
* Cơ hội xóa đói giảm nghèo
Nhiều phụ nữ ở Bắc Ninh đã có động lực thực hiện những ý tưởng khởi nghiệp của mình từ nguồn vốn Đề án 939, chị em đã phá vỡ những rào cản về mặt tâm lý cũng như trở ngại để phát huy tiềm năng của bản thân trong sản xuất và kinh doanh.
Chị Vũ Thị Tho ở xã Vũ Hòa, huyện Lương Tài với 700 triệu đồng được vay từ Đề án 939 năm 2020, đã có thêm kinh phí cải tạo đất, mua con giống để phát triển vùng sản xuất nông sản theo hướng VietGAP. Khởi nghiệp từ năm 2019, nhờ nguồn vốn được giải ngân kịp thời cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật, đến nay, mô hình sản xuất của gia đình chị Tho đã phát triển với 21ha nuôi trồng đa dạng, xen canh các loại lúa, hoa màu, nuôi cá, bò, gà.. mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm gia đình chị thu về 500 - 600 triệu đồng. Mô hình sản xuất của gia đình chị Tho còn tạo việc làm cho hàng chục lao động trong khu vực.
Đầu năm 2022, gia đình chị Nguyễn Thị Hà ở xã Long Châu, huyện Yên Phong bắt đầu tiếp cận nguồn vốn từ Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Đây là động lực khiến chị Hà cùng chồng tự tin mở rộng quy mô dự án khởi nghiệp của mình. Chị Hà cho biết, trong lúc hai vợ chồng xoay xở từng đồng vốn với mong muốn mở rộng mô hình chăn nuôi dê, may mắn được biết đến nguồn vốn lãi suất ưu đãi này qua sinh hoạt tại Hội Phụ nữ. Với số tiền 2 tỷ đồng được giải ngân, dự án nuôi dê thương phẩm của vợ chồng chị Hà đã trở thành hiện thực. Có vốn, vợ chồng chị mạnh dạn đầu tư lớn, thuê hơn 2.000m2 trong khu đất được quy hoạch chăn nuôi tại xã Long Châu và xây trang trại, mua 1.000 con dê về nuôi. Đến nay, đàn dê của gia đình chị đã phát triển thêm nhiều, mỗi tháng xuất chuồng khoảng 500 con.
Chị Đào Thị Huế ở xã Thụy Hòa, huyện Yên Phong được vay 1,5 tỷ đồng theo Đề án 939 để đầu tư trồng dưa lưới theo mô hình công nghệ cao. Nhờ nguồn vốn đúng thời điểm, chị Huế đã xây dựng hệ thống nhà màng áp dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm được chi phí sản xuất và sức lao động. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, vườn dưa của gia đình chị có chất lượng thơm ngon, đảm bảo an toàn, cho năng suất cao, thu nhập tốt hơn trước.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vũ Hòa, huyện Lương Tài Nguyễn Thị Bẩy cho biết, chị em rất phấn khởi khi tiếp cận nguồn vốn này và đã mạnh dạn đầu tư vào những mô hình sản xuất. Nhiều chị đã thành công, làm giàu cho gia đình. Với chu kỳ vay dài, lãi suất ưu đãi, nguồn vốn thực sự là động lực để phụ nữ Bắc Ninh hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp của mình./.