Theo Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Long An, năm 2023, toàn tỉnh có 49/188 xã đã triển khai chuyển đổi số cấp xã (đạt 26%); 3 huyện đã triển khai chuyển đổi số tại 100% xã là Châu Thành, Vĩnh Hưng, Cần Giuộc.
TTXVN - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa cho biết, một nội dung quan trọng trong công tác chuyển đổi số là xã hội số, trong đó cụ thể như phát triển làng số. Làng số là một cộng đồng dân cư xây dựng trên nền tảng ngôi làng truyền thống, ở đó người dân sử dụng hạ tầng số, nền tảng số, dịch vụ số và công nghệ, kỹ thuật số để phục vụ đời sống hàng ngày và thay đổi phương thức, hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt khỏi phạm vi không gian làng, xã.
Ông Phạm Tấn Hòa cho rằng, làng số đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân địa phương thông qua việc cung cấp đầy đủ các dịch vụ, tiện ích đáp ứng nhu cầu trong cuộc sống thường ngày của người dân, đặc biệt là giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, giải quyết vấn đề việc làm, giải quyết vấn đề sản xuất và tiêu thụ nông sản địa phương.
Theo đó, Long An tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh theo Công văn số 855/UBND-VHXH ngày 9/2/2023 của UBND tỉnh; tích cực tìm hiểu, nghiên cứu các câu chuyện, kinh nghiệm hay về sử dụng công nghệ số thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số tại các vùng, miền nông thôn tại Cổng thông tin điện tử về làng số (https://langso.dx.gov.vn) để phổ biến cho người dân tại các xã, ấp, khu phố, tổ dân phố chủ động triển khai.
Mô hình chuyển đổi số cấp xã nhằm hướng tới thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phổ cập, phấn đấu mỗi người dân có một danh tính số; mỗi người dân trưởng thành có một tài khoản thanh toán số, một tài khoản dịch vụ công trực tuyến, một chữ ký số cá nhân.
Cùng với đó, tỉnh Long An triển khai phổ cập, phấn đấu mỗi người dân được bảo đảm an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản. Việc bảo vệ này cơ bản không làm lộ lọt dữ liệu cá nhân; ngăn chặn được các website, thông tin mà người dân không mong muốn; bảo đảm an toàn khi tham gia các hoạt động thanh toán trên môi trường số. Tỉnh phát triển trường học số, bệnh viện số; trong đó, chú trọng phát triển các nền tảng số phục vụ quản lý hành chính tại bệnh viện; hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh tại chỗ và từ xa; phát triển, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt…
Theo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Long An, năm 2023, toàn tỉnh có 49/188 xã đã triển khai chuyển đổi số cấp xã (đạt 26%); 3 huyện đã triển khai chuyển đổi số tại 100% xã là Châu Thành, Vĩnh Hưng, Cần Giuộc. Công tác chuyển đổi số cấp xã đã giúp nâng cao chỉ số xếp hạng Chuyển đổi số (DTI) cấp huyện, nâng cao các chỉ số xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số theo Bộ chỉ số cải cách hành chính cấp huyện. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số cấp xã cũng giúp địa phương hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; hình thành cơ sở dữ liệu quản lý nhà nước cấp xã gồm các dữ liệu từ thu thập, khảo sát thực tế, dữ liệu công tác giải quyết thủ tục hành chính tại xã… phục vụ quản lý tổng thể, chỉ đạo điều hành của cấp huyện, cấp tỉnh trên môi trường số./.