Đến năm 2029, đạt 100% các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố ban hành chỉ đạo việc tích hợp, lồng ghép một số nội dung phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai với một số môn học để đưa vào chương trình giáo dục
TTXVN - Ngày 5/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban Chương trình số 01/CTrPH-BNNPTNT-BGDĐT về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong ngành Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 2024 - 2029.
Chương trình này nhằm tăng cường phối hợp giữa hai Bộ nhằm nâng cao nhận thức, năng lực về phòng, chống thiên tai cho học sinh và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai. Phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo và tăng cường nguồn lực của mỗi Bên góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 553/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030".
Mục tiêu cụ thể của chương trình là từ năm 2024-2026, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn từ trung ương đến địa phương; chuẩn hóa chương trình, hệ thống tài liệu hướng dẫn tích hợp, lồng ghép kiến thức phòng chống thiên tai vào chương trình giảng dạy các cấp; xây dựng nội dung hướng dẫn giáo sinh các cơ sở giáo dục có đào tạo giáo viên về tích hợp, lồng ghép nội dung phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai phù hợp với các cấp học và trình độ đào tạo.
Đến năm 2029, đạt 100% các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố ban hành chỉ đạo việc tích hợp, lồng ghép một số nội dung phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai với một số môn học để đưa vào chương trình giáo dục, chương trình giảng dạy cấp Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông.
90% các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai tích hợp nội dung phòng, chống giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào một số môn học; thí điểm một số cơ sở giáo dục Đại học khối ngành Sư phạm, cơ sở có đào tạo giáo viên thực hiện tích hợp, lồng ghép nội dung phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào chương trình giảng dạy...
Nội dung của chương trình tập trung vào các vấn đề như: Hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, tài liệu hướng dẫn về việc về tích hợp, lồng ghép kiến thức phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào các môn học; tổ chức tập huấn, các hoạt động ngoại khóa về lồng ghép nội dung phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào hoạt động giảng dạy; xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học an toàn trước thiên tai.
Chương trình còn đề cập đến các nội dung khác như: Xây dựng và bổ sung tiêu chuẩn “Trường học an toàn trước thiên tai” trong các tiêu chuẩn Trường học an toàn; tham gia các chương trình, khung hành động, cam kết, sáng kiến quốc tế về trường học an toàn trước thiên tai trong khu vực và toàn cầu; triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ và môi trường liên quan đến phòng, chống thiên tai./.