Trong các giải pháp để phát triển giáo dục và đào tạo, giải pháp phát triển nhân lực, trong đó có phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao dân trí có thể xem là giải pháp của giải pháp, để thúc đẩy sự phát triển của vùng.
(TTXVN)Ngày 23/12, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị Quyết 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an, ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ gồm 14 tỉnh, chiếm 35% diện tích tự nhiên và 15,2% dân số cả nước. Theo số liệu thống kê, năm học 2020-2021, toàn vùng có gần 10.900 cơ sở giáo dục (Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, Trung tâm giáo dục thường xuyên); 6 cơ sở giáo dục Đại học, 6 trường Cao đẳng sư phạm.
Số trường đạt chuẩn Quốc gia tăng trong những năm gần đây. Cụ thể, tỷ lệ trường Mầm non đạt 57,97%; trường Tiểu học đạt 69,22%; trường Trung học Cơ sở và trường Trung học Phổ thông đều đạt 53,26%. Cùng với đó, chất lượng giáo dục của khu vực có nhiều chuyển biến tích cực. Năm học 2021-2022, trung bình tỷ lệ học sinh Tiểu học lên lớp đạt 99,18%, tỷ lệ học sinh Trung học Cơ sở đạt 98,86%, Trung học Phổ thông đạt 97,87%...
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động giáo dục và đào tạo vùng còn gặp một số khó khăn như: số lượng giáo viên vẫn còn thiếu so với quy định ở các cấp học và thấp hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu phòng học, xuống cấp và quá tải, phải học hai ca, học nhờ, học tạm; thiếu thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch.
Các điều kiện sinh hoạt của học sinh bán trú, học sinh các xã đặc biệt khó khăn mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu tối thiểu. Việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp ở một số nơi chưa thực sự khoa học, hiệu quả, chưa đảm bảo môi trường học tập cho trẻ em, học sinh; hầu hết các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục của vùng đều thấp hơn chỉ tiêu chung của cả nước và các khu vực khác...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ là khu vực có tầm quan trọng chiến lược được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đây cũng là vùng nhiều khó khăn, thách thức, mức sống của người dân, điều kiện kinh tế - xã hội cần được cải thiện.
Vì vậy, việc phát triển bền vững khu vực là vấn đề lớn cần đặt ra, quan tâm trước mắt cũng như lâu dài. Trong các giải pháp để phát triển giáo dục và đào tạo, giải pháp phát triển nhân lực, trong đó có phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao dân trí có thể xem là giải pháp của giải pháp, để thúc đẩy sự phát triển của vùng
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích nguyên nhân, hạn chế, vướng mắc, những bài học kinh nghiệm; từ đó, thống nhất mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển giáo dục và đào tạo vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đạt kết quả cao./.